Câu chuyện bắt đầu bằng một cảnh tượng kinh hoàng: một bé trai hai tuổi đã chết, một bé gái bốn tuổi đang hấp hối và người vú em trông giữ hai đứa trẻ – kẻ gây ra tội ác khủng khiếp này – cũng vừa tự kết liễu đời mình. Cuốn tiểu thuyết mở ra bằng một cái kết, nhưng mọi chuyện lại không chấm dứt ở đó, quá khứ đã qua và hiện tại vừa thành quá khứ chỉ mở màn cho một bi kịch không hồi kết, dai dẳng và ám ảnh, của cuộc sống hiện đại.
Làm sao để có thể vừa phát triển sự nghiệp vừa nuôi dạy con cái? Làm sao để dung hòa lòng tốt với cảm giác thống trị vốn luôn tồn tại trong quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động mà cụ thể ở đây là một cặp vợ chồng trẻ thị dân và người giúp việc cho họ? Làm sao để sống trong xã hội lúc nào cũng vội vã này mà không phụ thuộc quá nhiều vào những người lạ, những người ta chưa kịp hiểu hết, mà ta buộc phải chấp nhận sự hiện diện của họ ngay giữa gia đình mình chỉ để đổi lấy thêm một chút tự do, một chút thời gian cho bản thân? Lối kể chuyện thông minh và am hiểu xã hội đã giúp Người lạ trong nhà trở thành một trong những câu chuyện tiêu biểu của dòng tiểu thuyết tàn bạo và xót xa này, từ Những cô hầu gái của Jean Genet (1947) đến Nghi lễ của Claude Chabrol (1995), và xứng đáng giành giải Goncourt 2016 – một trong những giải thưởng văn học uy tín nhất nước Pháp.