Nhân dịp 100 ngày mất của Đỗ Nam Cao, tuyển tập thơ ông được NXB Hội Nhà Văn ấn hành. Đọc lại thơ của thi sĩ này, với trường ca Hỡi cô cắt cỏ, ông cho thấy sự hứng khởi dân gian và tràn đầy mỹ cảm nông thôn: "Thằng cuội ngồi gốc cây đa. Để trâu ăn lúa gọi cha ời ời. Sao không gọi mẹ cuội ơi. Sao không gọi cái yếm sồi xửa xưa. Mẹ còn ăn bát riêu cua. Thì còn sữa lạ nuôi vua mọi thời", vẫn thấy dòng chảy chủ đạo thao thức cội nguồn: "Cổng làng như lá bùa mê. Chợt kinh hoảng sợ. Chợt tê tái buồn. Làng ơi cúi lạy thành hoàng. Cho con được phép khẽ khàng vào quê".
Cả đời đăm đắm với thi ca, nhưng Đỗ Nam Cao chưa bao giờ được tỏa sáng bằng những lời khen nức nở trên văn đàn. Nổi danh cũng phải tùy duyên, Đỗ Nam Cao không có cái may mắn rạng danh như nhiều đồng nghiệp cùng trang lứa. Cái rủi ấy khiến Đỗ Nam Cao không tốn thời gian để làm dáng. Thơ ông lặng lẽ tồn tại, lặng lẽ ươm mầm, lặng lẽ trỗi dậy, lặng lẽ thăng hoa.
Tâm hồn yếu mềm của Đỗ Nam Cao luôn gắn bó với đồng quê trẻ dại. Cánh cò cứ bay trong thơ ông như một niềm riêng bịn rịn. Đó là Những cánh cò lửa trước giờ xung kích: “Ơi con cò của lòng người. Nghìn năm quen lại khiến đời xôn xao. Xuồng đi mây ửng ngọn sào. Tôi mang đôi cánh lửa vào tiền phương”. Đó là cánh cò vụt theo ngọn gió mùa màng xanh thẳm: “Mắt chợt sẫm khi cánh cò bay lả. Đậu dịu dàng lên nắng những hàng tre”. Đó là cánh cò run rẩy ý thức hướng về nơi chôn nhau cắt rốn: "Mờ xa lã sã cánh cò. Bóng cô cắt cỏ lò dò trong mưa. Tôi ngồi ngẫm dưới sao thưa. Lập lòa đom đóm hiểu chưa thấu làng".