BA ĐỒN MẠN THUẬT
- Danh mục: Văn xuôi
Tác giả:
- Giới thiệu: “Từ khi sang tuổi 60, tôi luôn đau đáu về một cuốn dư địa chí về đất Phan Long - Ba Đồn. Địa là đất, chí là sự ghi chép. Địa chí là loại sách ghi chép tất cả những gì xảy ra ở một vùng đất, tất tần tật từ những sự kiện lớn lao đến con tôm con cá không sót một thứ gì. Một cuốn sách như thế rất cần cho các thế hệ trẻ và con cháu đời sau một khi họ muốn biết quê cha đất tổ ra sao, tổ tiên ông bà đã sống như thế nào”.
(Nguyễn Quang Lập)
Tác giả của những truyện ngắn, kịch, tiểu thuyết, kịch bản phim truyện, tản văn… Cái người viết luôn làm mới mình vừa mới trình làng cuốn sách tái bản. Cuốn dư địa chí có tên Ba Đồn mạn thuật (BĐMT).
Người đọc đã quá quen với một phong thái một cung cách độc đáo Nguyễn Quang Lập. Biết rồi nhưng cũng phải nhắc lại, những năm vệ quốc gian nan, những người lính vào chiến trường qua vùng Khu Bốn, qua đất Quảng Bình đã thêu dệt, đã sáng tạo nên hình tượng Bọ!
Một Bọ Lập, người viết Nguyễn Quang Lập tài hoa, tác giả những tiểu thuyết truyện ngắn những vở kịch, kịch bản phim truyện và từng có hẳn một cuốn Để trở thành nhà biên kịch phim truyện. Nghe phong thanh để dựng, để hoàn thành BĐMT đâu như có 5 thành viên viết lách cũng thuộc hạng tay tổ định sẽ cùng xúm tay dựng sách. Nhưng một sự cố xảy ra. Cuối cùng trơ khấc còn mỗi Bọ! Đến nước này hình như đã phát lộ một phù thủy Nguyễn Quang Lập, tổng đạo diễn tập hợp đội hình âm binh để tạo lập tập đại thành Dư địa chí Ba Đồn Mạn thuật!
“Tất tần tật”? Thành thực bộc bạch như thế khi dựng BĐMT nhưng bột nào để gột nên hồ đây? Một nồi lẩu, một thứ tạp pí lù về Ba Đồn chăng?
Nguyễn Quang Lập đã vượt thoát những dằng dặc kê biên trong sách sử, chính sử cũng như tài liệu đã có và nhất thiết khi làm dư địa chí bắt buộc phải dẫn, trích. Chất sáng tạo đã làm cho những trang của chương, mục “chí” trở nên sinh sắc khi Bọ Lập tạo nên trên cái “giao diện” ấy những khung, những box, những trích dẫn với các “co” chữ màu sắc khác nhau. Cả những đoạn thơ minh họa thích hợp. Lại kèm theo cả hình vẽ, tranh ảnh… Những toát yếu sinh sắc ấy không thể tìm thấy trong dư địa chí của tiền nhân!
Bọ Lập đã khôn khéo đưa vô BĐMT một liều lượng vừa phải phần văn nghệ văn chương chuyên và không chuyên. Ba Đồn ký sự là những bài viết về người và đất Phan Long - Ba Đồn do người Ba Đồn, những cây viết Ba Đồn (trong đó có anh em Nguyễn Quang Vinh và Nguyễn Quang Lập), như Danh thần dưới thời Minh Mạng; Nhà giáo nhà viết kịch Phan Xuân Hải; Nguyễn Quang Mỹ, chuyên gia hàng đầu về hang động Việt Nam; Ba Đồn xưa có một Đoàn văn công; Người nấu cơm cho Bác Hồ; Cháo canh Ba Đồn; Ba Đồn có thày Thông Dư; Đi chợ bò; Một mình làm cả cái đình vv…
Dựng nên một dư địa chí sinh động, phong phú thì người dựng phải có cái tài phóng sự! Tôi ngờ rằng phóng sự là thể loại rất gần với mạn thuật hoặc tạp lục? Chợt nhớ cụ Nguyễn Tuân từng bộc bạch rằng làm sao để viết ký cho nó hay và không nhạt. Cụ chả giấu rằng phải có vốn văn hóa, có kiến thức. Kiến thức lịch sử, thiên nhiên, địa lý. Người viết có nhiều dụng cụ thì đồ chế tạo nhất định phải tinh xảo hơn. Không có tài không viết ký được.
(Xuân Ba - Theo tienphong.vn)