TẬP THƠ CHÉP TAY TRỞ VỀ VỚI TRẦN ĐĂNG KHOA SAU GẦN 60 NĂM
Trong căn phòng nhỏ tại trụ sở tạp chí Nhà văn và cuộc sống (số 9 Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội), nhà thơ Trần Đăng Khoa cẩn thận lật giở từng trang trong tập thơ Từ góc sân nhà em. Đó là những dòng thơ ông viết từ thuở còn là cậu bé lớp 2. Chúng được lưu giữ gần sáu thập kỷ bởi cô giáo Nguyễn Thị Thanh Xuân - vợ PGS.TS Chương Thâu.
Ông Trần Đăng Khoa mỉm cười, nhẹ nhàng đọc lên vài câu. Cả phòng cười ồ. Nhà thơ cũng cười vì giọng văn trong trẻo, ngô nghê, và đặc biệt những câu chi chít lỗi chính tả của mình ngày xưa. Có ai đó bảo: "Thì ra thần đồng thơ cũng từng sai chính tả!". Ông Trần Đăng Khoa đáp: "Thần đồng gì mà lại thế này. Tôi có thể trở thành nhà thơ thì đứa trẻ con nào cũng làm nhà thơ được”.
Nhân duyên tìm lại tập thơ xưa
Cách đây không lâu, nhà thơ Trần Đăng Khoa nhận được cuộc điện thoại từ một phóng viên. Điều khiến ông sững sờ là thông tin về một tập thơ của mình được lưu giữ hơn 50 năm. Người phóng viên nói rằng cô giáo Nguyễn Thị Thanh Xuân - vợ của PGS.TS Chương Thâu - đang giữ một tập thơ mà ông Khoa cứ ngỡ đã thất lạc vĩnh viễn. Bà đã được nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú tặng lại tập thơ, trước đó, nhà thơ Xuân Diệu là người trao tặng cho tác giả Đất làng.
Tập thơ ấy mang tên Từ góc sân nhà em. Tác phẩm vốn được Trần Đăng Khoa viết từ thuở thiếu thời, khi chưa đầy 10 tuổi. Đặc biệt, đây là bản thảo viết tay không còn lưu lại trong bất kỳ kho lưu trữ cá nhân hay cơ quan nào. Ông gần như không nhớ rõ từng bài thơ trong đó, chỉ mơ hồ rằng phần lớn là những vần thơ vụng dại, được viết ra để chiều lòng những vị khách ghé thăm nhà mình ở làng quê Hải Dương, khi họ ra đề tài để "thần đồng" làm thơ về cây dừa, bức tranh, hay mảnh vườn nhỏ.
Mối liên hệ ấy càng khiến ông Khoa sửng sốt, bởi bà Ngọc Tú không chỉ là đồng nghiệp thân thiết mà còn từng cùng ông trải qua những tháng ngày học tập, làm việc tại Nga. Ông là người từng đưa bà đi khắp Moscow, chia sẻ mọi chuyện đời thường lẫn văn chương, vậy mà bà chưa từng nhắc đến việc đang giữ tập thơ quý ấy.
Lý do tập thơ đến tay Xuân Diệu càng khiến mọi chuyện trở nên mơ hồ. Nhà thơ Trần Đăng Khoa kể lại: “Ông Xuân Diệu có ba lần đến nhà tôi. Hai người cũng trao đổi thư từ với nhau. Tôi thường xuyên gửi thơ cho ông Xuân Diệu đọc. Nhưng thường là những bài thơ tôi thích. Còn tập này là bản thảo ở dạng bản nháp. Nhiều bài rất ngô nghê làm theo đề bài do khách đến chơi nhà đưa ra".
Khi cầm lại tập thơ cũ với 20 bài chưa từng công bố, ông Khoa nghẹn ngào. Trong đó, có một tác phẩm đã được công bố trong bộ phim tài liệu do đạo diễn người Pháp Gérard Guillaume quay vào năm 1968, khi ông mới 10 tuổi. Bộ phim có tên Thế giới nhỏ của Khoa. Nhà thơ Xuân Diệu - người mà ông từng không nghĩ có giữ tập thơ - lại chính là người giới thiệu tác phẩm của ông ở đầu và cuối phim.
Từ góc sân nhà em là tập thơ gồm 30 bài, viết năm 1966-1967, khi nhà thơ đang học lớp 2D, trường cấp I Quốc Tuấn (Nam Sách, Hải Dương). Tập thơ có khuôn khổ rất nhỏ, chỉ to hơn bao thuốc lá một chút, giấy nứa đã ố vàng và sờn mòn các mép, do ông tự đóng thời ấy. Đây là tập chép tay các bài thơ đầu tiên và là bản chép tay duy nhất của cậu bé “thần đồng” thuở ấy. Sau này tập thơ được bổ sung thêm với tên gọi khác là Góc sân và khoảng trời.
Từ một cậu bé đến một nhà thơ
Khi tình cờ tìm lại tập thơ cũ Từ góc sân nhà em với những bài thơ nguệch ngoạc, nhà thơ Trần Đăng Khoa cảm thấy như thể gặp lại chính mình thuở ban đầu. Những dòng thơ viết sai chính tả chi chít, chỗ “chú”, chỗ “nó”, chỗ lại thành “ló”. Dù vậy, mỗi trang thơ như chứa đựng cả một bầu trời hồn nhiên.
Trong đó, có bài Trăng sáng sân nhà em lặp từ rất nhiều, điều mà một cây bút chuyên nghiệp sẽ không làm. Tuy nhiên, khi đọc lại, “Trăng sáng sân nhà em”, nhà thơ Trần Đăng Khoa cảm thấy nó như "một khối rubik đầy màu sắc tuổi thơ, ngô nghê", trong trẻo nhưng hiệu quả đến lạ kỳ.
“Giờ đây khi đã trưởng thành, tôi cũng không thể tìm được thứ cảm xúc nguyên sơ ấy. Những câu thơ nói điều hiển nhiên, giản dị, tưởng như dễ dãi nhưng lại chạm tới trái tim, như cách Nguyễn Bính từng viết”, nhà thơ Trần Đăng Khoa tâm sự.
Từ những vần thơ đầu tay ấy, cậu bé Khoa bước vào hành trình học tập bền bỉ để trở thành nhà thơ chuyên nghiệp. Góc sân và khoảng trời - tập thơ xuất bản năm 1973 khi ông mới 15 tuổi - chính là dấu mốc lớn nhất, đưa Trần Đăng Khoa trở thành một hiện tượng văn chương Việt Nam. Tập thơ được tái bản tới 161 lần, đi cùng ông suốt hàng chục năm, thậm chí có những lần đi giao lưu, ông phải ký vào một bản in mới mà chính mình còn chưa từng cầm trên tay.
Tập thơ Từ góc sân nhà em là một bản thảo có giá trị. Vợ chồng PGS.TS Chương Thâu từng nhận được lời ngỏ ý mua lại Từ góc sân nhà em với giá cao nhưng hai người không bán.
Trong tập thơ này, có tác phẩm đã đạt đến độ hoàn thiện cao như Gà con liếp nhiếp, Trăng sáng sân nhà em, Sao không về vàng ơi… Đặc biệt đây là tư liệu giúp người nghiên cứu có thể thấy được quá trình hình thành một tác giả từ một cây bút bản năng, học trò đến một tài năng, một tác giả chuyên nghiệp với bề dày tác phẩm.
Đức Huy
(Nguồn: https://znews.vn)