7 scandal đạo văn chấn động
Trong lĩnh vực văn học, thật không may khi những cáo buộc đạo văn không phải là hiếm. Khi thời đại mà Internet giúp việc đạo văn trở nên dễ dàng hơn, các nhà văn cần luôn cảnh giác để đảm bảo tác phẩm của mình đạt được tiêu chuẩn cao nhất về tính toàn vẹn.
Trong khi một số nhà văn đã thừa nhận hành vi sai trái của mình và phải trả giá, nhiều người bảo vệ thành quả của mình thành công.
Alex Haley
Alex Haley, nổi tiếng với cuốn sách đoạt giải Pulitzer, Roots: The Saga of an American Family, bị cuốn vào vụ bê bối đạo văn làm lung lay danh tiếng văn chương của ông. Harold Courlander cáo buộc Haley đã lấy một số phần từ cuốn sách của chính ông, The African, để tạo nên cốt truyện của Roots.
Mặc dù ban đầu cương quyết phủ nhận, sau đó Haley phải thừa nhận tác phẩm mang tính biểu tượng của ông có bao gồm các yếu tố từ tiểu thuyết của Courlander. Cuối cùng, hai người đã đạt được một thỏa thuận vào năm 1978 nhưng vết nhơ này khó có thể xóa nhòa trong sự nghiệp của Haley.
J.K. Rowling
J.K. Rowling, thiên tài sáng tạo đằng sau loạt truyện Harry Potter, bị vướng vào cuộc chiến pháp lý về cuốn sách thứ tư của bà, Harry Potter và Chiếc cốc lửa. Paul Allen,người được ủy thác trông coi gia sản cho cố nhà văn Anh Adrian Jacobs, tuyên bố Rowling đã mượn các yếu tố từ tác phẩm ít được biết đến hơn của Jacobs, Những cuộc phiêu lưu của phù thủy Willy.
Rowling tỏ ra gay gắt rằng bà thậm chí chưa từng nhìn thấy cuốn sách của Jacobs, bác bỏ những cáo buộc là vô căn cứ và lố bịch. Sau đó bà đã theo đuổi vụ kiện đến cùng và giành được chiến thắng trong phiên tòa cuối cùng.
Dan Brown
Dan Brown, tác giả của cuốn sách bán chạy nhất Mật mã Da Vinci, đã phải đối mặt với nhiều cáo buộc đạo văn. Năm 2006, các tác giả Richard Leigh và Michael Baigent đã kiện ông ra tòa, cáo buộc Brown đã sao chép rất nhiều từ tác phẩm của họ, The Holy Blood and The Holy Grail. Tuy nhiên, cuối cùng họ đã thua kiện và phải trả một hóa đơn 1,3 triệu bảng Anh, chi trả 85% chi phí pháp lý của Brown.
Một năm sau đó, một nhà văn khác, Jack Dunn, đã đệ đơn kiện Brown, tuyên bố có sự tương đồng giữa Mật mã Da Vinci và cuốn tiểu thuyết năm 1997 của chính ông, The Vatican Boys. Trong khi vụ kiện này đã bị bác bỏ tại Mỹ vào năm 2007, Dunn đã khơi lại cuộc chiến pháp lý ở Anh một thập kỷ sau đó, khẳng định ông đã tìm thấy nhiều tài liệu đạo văn hơn trong tác phẩm của Brown.
Stephen Ambrose
Stephen Ambrose, người đã chấp bút cuốn sách được hoan nghênh rộng rãi năm 1992, Band Of Brothers, gặp rắc rối vào năm 2002. Bị buộc tội đạo văn của nhiều nhà sử học, danh tiếng của ông đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cáo buộc nêu rõ Ambrose dường như đã sao chép toàn bộ các đoạn văn từ cuốn sách Wings Of Morning của Thomas Childers để sử dụng trong tác phẩm của riêng ông, The Wild Blue.
Cả hai cuốn sách đều đi sâu vào cuộc sống của các phi công ném bom trong Thế chiến II. Nhưng những tiết lộ đáng lo ngại không dừng lại ở đó. Một cuộc điều tra sau đó của Forbes đã tìm thấy bằng chứng đạo văn trong ít nhất 6 cuốn sách khác của ông.
Doris Kearns Goodwin
Doris Kearns Goodwin, nhà sử học và nhà viết tiểu sử từng đoạt giải Pulitzer, từng cáo buộc một nhà văn lấy nội dung từ cuốn sách được đánh giá cao của bà, The Fitzgeralds And The Kennedys, vào năm 1993. Tuy nhiên, trong một bước ngoặt trớ trêu, bản thân bà lại bị tố cáo ngược lại vào năm 2002.
The Weekly Standard nhấn mạnh chính cuốn sách này của Goodwin có chứa các cụm từ và thậm chí cả nhiều câu được mượn từ 3 tác phẩm khác - The Lost Prince của Hank Searls, Times To Remember của Rose Kennedy và Kathleen Kennedy: Her Life And Times của Lynne McTaggart.
Sau khi giải quyết với McTaggart ngoài tòa án, Goodwin nhận hậu quả đáng tiếc đến mức bà phải từ chức khỏi Hội đồng Giải thưởng Pulitzer vào cuối năm đó.
Kaavya Vishwanathan
Khi là sinh viên năm 2 Đại học Harvard, Kaavya Vishwanathan đã xuất bản tiểu thuyết đầu tay của mình, How Opal Mehta Got Kissed, Got Wild, And Got A Life. Ngay sau đó, tờ Harvard Crimson đưa tin một số phần trong cuốn sách của cô có chi tiết giống kỳ lạ với các tiểu thuyết của Megan McCafferty, Sloppy Firsts và Second Helpings.
Như thể điều đó chưa đủ, những điểm tương đồng bổ sung đã xuất hiện giữa tác phẩm của Vishwanathan và nhiều tác giả khác như Sophie Kinsella, Meg Cabot và thậm chí cả Salman Rushdie.
Hậu quả, cuốn sách của cô đã bị rút khỏi kệ và hợp đồng xuất bản hai cuốn sách đầy hứa hẹn của cô đã bị hủy bỏ.
Ellis O'Hanlon
Trong trường hợp này, Ellis O'Hanlon, nhà báo và tiểu thuyết gia người Bắc Ireland, là người đi tố cáo. Bà đã viết một số cuốn sách cùng với chồng là Ian McConnel dưới bút danh Ingrid Black.
Khi tạo một tài khoản Twitter cho bút danh này, O'Hanlon phát hiện một nhà văn tên là Joanne Clancy sao chép tác phẩm của bà để xuất bản trên Amazon. Cuốn sách Tear Drop của Clancy dường như là một phiên bản được diễn đạt lại từ tiểu thuyết The Dead của Black, với những thay đổi nhỏ về cốt truyện và nhân vật.
Ngoài ra, một cuốn sách khác của Clancy, Insincere, có nhiều điểm tương đồng đáng kinh ngạc với The Dark Eye của Black. Để phản hồi lại hành vi đạo văn rõ ràng, Amazon đã xóa cả hai cuốn sách của Clancy và vô hiệu hóa toàn bộ tài khoản của cô.
Ngọc Hân
(Nguồn: https://znews.vn)