cart.general.title

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2025: Chuyển đổi số, đưa sách gần công chúng hơn

Nhận thức tầm quan trọng của văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam (nay là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam-Quyết định số 1862/QĐ-TTg, ngày 4/11/2021) nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc phát triển kiến thức, kỹ năng và phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người.

Hằng năm, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam được tổ chức trên cả nước với quy mô ngày càng lớn, không chỉ ở các tỉnh, thành phố mà đã được chú trọng triển khai đến địa bàn cơ sở, vùng nông thôn, miền núi, những nơi còn khó khăn. Qua Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, các bộ, ngành, tổ chức, địa phương trên cả nước đã xây dựng được phong trào đọc, viết, quảng bá, lưu giữ sách trong mọi tầng lớp nhân dân, lan tỏa thành nếp sống đẹp trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng.

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm nay diễn ra với đa dạng các hoạt động, như: Ngày hội với các hoạt động tuyên truyền giới thiệu sách, kể chuyện và làm theo sách, vẽ tranh theo sách, xếp sách nghệ thuật; Giao lưu, tọa đàm về sách và văn hóa đọc, tôn vinh người đọc, người sáng tác, người làm thư viện, lưu giữ, sưu tầm, quảng bá sách và góp phần phát triển văn hóa đọc…

Để phát huy hơn nữa giá trị của sách, những người làm xuất bản, in, phát hành đã chủ động chuyển đổi, kết hợp hài hòa thói quen của người đọc để lựa chọn sách, đưa sách đến gần hơn với họ thông qua môi trường số.

Nhiều nhà xuất bản, công ty sách chuyển dần hướng tiếp cận bạn đọc từ sách in sang sách điện tử. Hiện cả nước có 31 nhà xuất bản điện tử, chiếm 54% số nhà xuất bản, 27 cơ sở phát hành phát hành điện tử; với sự gia tăng đáng kể về số lượng sách điện tử, sách nói và đặc biệt là các loại sách tương tác đa phương tiện. Đây là một bước chuyển mạnh mẽ, giúp ngành xuất bản hiện đại hóa và mở ra nhiều cơ hội tiếp cận đối tượng độc giả trẻ.

Nếu như năm 2015, cả nước mới chỉ có hơn 1.000 đầu sách điện tử được xuất bản thì tới năm 2023, toàn ngành có tới 4.600 đầu sách điện tử được xuất bản. Số lượt nghe sách nói năm 2023 đạt 40 triệu lượt, tăng 25% so với năm 2022. Ước tính, doanh thu toàn thị trường sách nói ước đạt khoảng 120-130 tỷ đồng, chiếm khoảng 3% tổng doanh thu toàn ngành.

Một số nhà xuất bản cũng đã liên kết với các công ty công nghệ để xây dựng các phần mềm, hệ điều hành xuất bản điện tử hiện đại để áp dụng vào hầu hết các khâu trong quy trình xuất bản, phát hành.

Cùng với đó, tại nhiều địa phương, thư viện tỉnh linh hoạt tổ chức các triển lãm, hội sách trực tuyến trên các nền tảng công nghệ; hội sách trực tiếp kết hợp với trực tuyến; hội sách thanh toán không sử dụng tiền mặt; quảng bá sách và văn hóa đọc trên các chuyên mục báo điện tử, mạng xã hội...

Không chỉ có sách in, người đọc cũng từng bước quen với các loại hình sách mới, như: Ebook (sách điện tử), audio book (sách nói), video book (sách có video), Interative book (sách tương tác), CD-Rom, DVD-rom… Cùng một nội dung, người đọc có thể lựa chọn tiếp cận dưới nhiều hình thức khác nhau, tùy thuộc vào nhu cầu, sở thích và điều kiện của bản thân.

Như vậy, không chỉ trong khuôn khổ các hoạt động Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, những năm qua, phong trào đọc sách, đưa sách đến với người đọc đã lan tỏa, trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống. Qua đó, cũng tạo cơ hội để các đơn vị xuất bản, phát hành đưa sách hay, sách mới đến cộng đồng, khuyến khích người viết, người đọc, giúp thị trường sách sôi nổi, đóng góp tích cực không chỉ về mặt tri thức, mà cả kinh tế cho đất nước… 

Phương Anh/TTXVN