MỔ LÒ MỔ
1. Nháp
Bức tranh tĩnh vật lò mổ: Cái búa của chàng đồ tể, những chum máu, mắt con bò, cái khoang trên đầu con bò, hoa hồng…
Bức tranh chân dung các nhân vật của lò mổ: chủ lò mổ, chàng đồ tể, người yêu của chàng. Những bức tranh phong cảnh, nhà trọ, cánh đồng, phố xá, nhà thờ.
Điểm nhìn: đồng hiện kết hợp siêu thực.
Bố cục: dầy đặc lớp lang chồng chất chia cắt mảng lớn, mảng nhỏ, trời đất trên dưới, sau trước, quá khứ, hiện tại.
Bảng màu: tông chủ đạo là mầu đỏ của máu, tiết (trong 18 chương có 62 chữ máu). Ví dụ trong chương Mộng du với các biến tấu của đỏ. “Đỏ tối những bức tường. Đỏ tối chum sành. Đỏ tối bóng đèn. Đỏ tối thớt. Đỏ tối dao. Đỏ tối chìa khoá. Đỏ tối gốc cây gần. Đỏ tối chảo luộc. Đỏ tối xe vận chuyển. Đỏ tối tiền trả công. Đỏ tối biên lai. Đỏ tối chứng minh thư. Đỏ tối những đứa trẻ”.
2. Xóa nháp vì hình như bức tranh lò mổ lại ở đằng sau tấm toan?
3. Đi vòng ra sau tấm toan thấy một lò mổ khác qua lời, “nhiều lời”.
Lời độc thoại của con bò trước giờ vào lò mổ Lời đối thoại của hai kẻ yêu nhau
Lời đối thoại của chủ lò mổ và người mổ bò Lời đối thoại của chủ lò mổ và bầy ruồi
Lời đối thoại của Chúa và người Nhiều thể loại: kịch, bản thảo, thư từ
Tạm kết 1: Nhiều máu, nhiều ruồi, 8 trang chỉ 1 chữ Ruồi, ruồi, ruồi… 4271 con ruồi, thủ pháp này giống như đơn vị Tràng trong tụng kinh, lặp đi lặp lại, 1 tràng là 108 lần. Vị chi là khoảng 40 tràng ruồi. Nhiều bộ phận sinh dục, nhiều bẩn thỉu, thối rữa, dòi, nhiều giấc mơ, nhiều hoa hồng, nhiều bình minh… nhiều nhiều những tối đa không thể tối đa hơn nhưng có lẽ lại là một kiểu tối giản bởi những nhiều ấy chỉ để nói về một chuyện, chuyện người, cõi người.
Tạm kết 2: Bức tranh lò mổ này ngoài chiêu “nhiều” thì còn một “trò” nữa là tương phản.
“Hoan lạc và đắng cay. Thánh thiện và trần tục. Trong sáng và tăm tối. Nhân hậu và tàn ác. Rộng lượng và hẹp hòi” (Trích chương 1), hoa hồng – máu, hoa hồng – ruồi, mơ – thực, tháp nhà thờ ngoài cửa sổ nhà trọ của chàng đồ tể v.v..
4. Phỏng vấn
- Cương: Ông có thích hội họa hiện đại không?
- Thiều: Thích, vì nó nhiều tự do, nhiều ánh sáng, nó phá vỡ được hình, mầu, nó xé được toan, bẻ được cọ bút. Nó dân chủ trong bút pháp, chất liệu, thể loại.
- Cương: Ông đã vét đến giọt mực cuối cùng?
- Thiều: Tôi đã dốc ngược lọ mực.
- Cương: Tôi nhớ có lần, Nguyễn Huy Thiệp bảo: Một đôi lần, người viết có được trạng thái xuất tinh khi “hết phim”.
- Thiều: Đấy là cách nói “huỵch toẹt” vốn có ở anh Thiệp. Tôi nghĩ chính xác thì đêm Giáng sinh 2016 khi chấm hết lò mổ tôi sợ giấy bút, sợ mực, sợ chữ… phải đến 8 năm sau mới mở ra đọc lại, tất nhiên vẫn sợ.
(Còn vài trang nữa nhưng bị nhòe, không đọc rõ. Đoạn đối thoại này là giả tưởng)
5. Kết (bản thảo)
Suýt nữa thì quên. Như đã nói chuyện lò mổ là chuyện người, tội lỗi, mộng du, đức tin (chương 7), vô thường (chương 8), mở miệng đã là sai, “tôi có nói gì đâu” (chương 10), vô minh, hữu minh (chương 13), tình dục, tình yêu, sáng thế (chương 14)… Nhưng tất cả đều là chuyện người.
Chương 1 mở ra ở lò mổ / cái chết / máu. Chương cuối kết ở đêm Giáng sinh / con bê ra đời. Vẫn tương phản, mở chết kết sinh.
Mở đầu là mở miệng, là lời, “một ban mai tĩnh lặng gọi chàng”. Kết cũng là mở miệng, là lời, “Chàng nói: Hỡi chàng trai của ta, hãy đứng dậy”
Mở đầu là máu / con bò chết: “Chàng buồn nôn. Máu bò dính trong tóc và đông như thạch trong kẽ móng tay. Lưỡi chàng cong lên...”
Kết cũng lại máu / nước ối / sinh: “Lời tràn ngập chàng. Chàng cúi xuống. Đặt bàn tay lên con bê. Đầy nước ối và máu phụ sản”. Mở đầu là bình minh – chết.
Kết là đêm – sống.
Sinh tử tử sinh, hạnh phúc bất hạnh, vuông tròn, bĩ thái, vui buồn, được mất, đắp đổi nhau, cái này có vì cái kia có, ở trong nhau, là một của nhau, có là không, không là có. “Tất cả chúng ta đều là những kẻ đồng tính với tội lội mình”.
Chuyện đạo là chuyện người.
Nghệ thuật “giáng sinh” chuyện đạo thành chuyện đời, chuyện người.
Người đọc đọc Lò mổ bằng chính những vô chiêu thức của người viết, “để Lời chúng ta được mở”.
8.2024
Lê Thiết Cương