20 NĂM SAU HÀNH TRÌNH ĐƯA “NHẬT KÝ ĐẶNG THÙY TRÂM” VỀ VIỆT NAM
Hành trình cuốn nhật ký trở về với gia đình
Bản gốc của cuốn nhật ký của liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm được lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ của Đại học Texas Tech. Bản scan lại cuốn nhật ký được lưu trong một đĩa CD, trao lại cho Ted Engelmann - nhiếp ảnh gia kiêm cựu binh Mỹ. Sau khi nhận đĩa CD, ông bắt đầu hành trình đến Hà Nội và trao trả lại cuốn nhật ký cho gia đình liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm.
Đến ngày 25/4/2005, ông trực tiếp trao lại bản nhật ký ấy cho mẹ của Đặng Thùy Trâm. Đến tháng 7 cùng năm, cuốn sách được sao chép và xuất bản bằng tiếng Việt, nhanh chóng trở thành hiện tượng xuất bản và một biểu tượng sâu sắc của hòa giải sau chiến tranh.
20 năm sau ngày cuốn sách được trở về nhà, Ted Engelmann đã có buổi trò chuyện, chia sẻ về hành trình đầy cảm xúc khi đưa cuốn nhật ký trở lại Việt Nam. Ông khẳng định trong hành trình trao trả cuốn nhật ký có nhiều tình tiết "tình cờ đến nổi da gà".
Buổi trò chuyện về hành trình đưa nhật ký liệt sĩ Đặng Thùy Trâm về Việt Nam được tổ chức ngày 11/5 tại Hà Nội.
"Sau khi nhận chiếc CD, tôi như trở thành một người truyền tin. Để tìm được gia đình Đặng Thùy Trâm, tôi đã gặp một người bạn và nhờ cô ấy truy tìm các thông tin liên quan. Tôi tìm kiếm những người Việt đọc cuốn nhật ký và tìm thêm thông tin từ cuốn nhật ký đó. Tình cờ một người đọc cuốn nhật ký lại ở ngay gần nhà gia đình Đặng Thùy Trâm. Đôi khi tôi cảm thấy nổi da gà vì những sự tình cờ trong hành trình này", Ted Engelmann kể lại.
Ông Ted trao lại đĩa CD cho người sống gần nhà liệt sĩ Đặng Thùy Trâm để xác nhận, còn ông vào TPHCM để khám phá, chụp ảnh về kỷ niệm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tuy nhiên, chỉ sau vài ngày ở TPHCM, ông nhận được điện thoại của một người phụ nữ với mong muốn gặp ông ở Hà Nội để trao đổi về cuốn nhật ký.
Ted Engelmann trao lại đĩa CD cho người sống gần nhà liệt sĩ Đặng Thùy Trâm để cô xác nhận thông tin. Ảnh: NVCC
"Tôi vội vàng trở lại Hà Nội. Sau đó, tôi được mẹ của Đặng Thùy Trâm chào đón vào nhà. Bà là một người nữ nhỏ nhắn, mỉm cười, ấm áp như bao bà mẹ khác. Tôi ngạc nhiên khi được chào đón như vậy. Tôi từng tưởng tượng họ sẽ tức giận với chúng tôi - những người gây ra cái chết cho con gái bà. Khi xem đĩa, mẹ của Thùy Trâm và mọi người đều xúc động và khóc. Trước khi rời đi, tôi trao lại gia đình chiếc đĩa CD, hoàn thành nhiệm vụ đưa tin của mình", Ted Engelmann cho biết.
Ngày 30/4 cùng năm thay vì có mặt ở TPHCM chụp ảnh như thường lệ, cựu chiến binh Ted đã cùng gia đình liệt sĩ Đặng Thùy Trâm đến nghĩa trang thắp hương cho nữ liệt sĩ và những người đã ngã xuống.
"Chúng tôi luôn là người sai"
Ông Ted khẳng định không ai có thể tức giận khi đọc cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm, nếu có đó sẽ là sự tức giận đối với cuộc chiến tranh phi nghĩa. "Cuốn nhật ký có tính cá nhân cao. Vì vậy, sau khi đọc tôi nhận thấy những trải nghiệm khác biệt. Đây là những trải nghiệm tôi chưa từng biết, đặc biệt là trong chiến tranh", ông Ted cho biết.
Ông đọc cuốn nhật ký khi đã biết cuộc chiến tranh thời đó là sai. Sau khi đọc nhật ký, Ted hiểu được cuộc chiến người Mỹ khởi xướng tại Việt Nam là một sai lầm, sai từ thời gian đến địa điểm. "Tất cả đều là sai lầm", Ted nói.
Ông Ted Engelmann (phải) chụp ảnh cùng gia đình ông gia Fred Whitehurst. Ảnh: NVCC
Ted Engelmann cho rằng công lao của mình trong hành trình trao trả cuốn nhật ký không lớn. Ông cho rằng bản thân chỉ là người truyền tin, giúp hai cựu binh Fred và Rob Whitehurst - người nhặt được cuốn nhật ký trên chiến trường - trao lại cho gia đình liệt sĩ Đặng Thùy Trâm.
"Sau 20 năm trao trả, cuốn nhật ký được nhiều người đón đọc, có lẽ tôi đã hoàn thành sứ mệnh của mình. Trong thời gian tới, tôi mong muốn xuất bản một cuốn sách ghi lại những điều quan trọng về bản thân", Ted tâm sự.
Bà Kim Trâm - em gái liệt sĩ Đặng Thùy Trâm - chia sẻ tại buổi nói chuyện ngày 11/5.
Buổi trò chuyện còn có sự xuất hiện của bà Kim Trâm - em gái liệt sĩ Đặng Thùy Trâm. Dịp này, bà chia sẻ về câu chuyện xuất bản cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm. Bà là người đánh máy lại bản scan cuốn nhật ký được lưu trong đĩa CD.
"Đây là công việc rất khó khăn. Tôi phải gõ lại những dòng chữ trong cuốn nhật ký nhuốm máu của chị gái. Lần nào gõ lại những dòng chị viết tôi cũng khóc. Nhật ký có khoảng 300 trang, tôi mất 2 tháng để gõ lại", bà nêu.
Bản tiếng Anh của cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm xuất bản được 120.000 bản. Đây không phải con số lớn ở Mỹ nhưng thể hiện sự quan tâm của mọi người tới cuốn sách. Ngoài ra, tác phẩm còn được đưa vào các trường học ở Mỹ. Tại Việt Nam, Nhật ký Đặng Thùy Trâm duy trì tái bản khoảng 2.000 bản/mỗi năm.
Gia Linh
(Nguồn: https://tienphong.vn)