TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH - DI SẢN VĂN HÓA TINH HOA CỦA DÂN TỘC
(Bài viết nhân dịp kỷ niệm 15 năm xuất bản bộ sách Hồ Chí Minh với Văn nghệ sĩ 2010 -2025)
Ngày nay Tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở thành một hệ chuẩn giá trị Văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Tư tưởng Hồ Chí Minh đối với dân tộc Việt Nam đã trở thành Di sản văn hóa tinh hoa độc đáo, kết tinh những giá trị tốt đẹp bền vững xuyên suốt trong tiến trình phát triển lịch sử dân tộc. Tư tưởng Hồ Chí Minh, khái niệm Hồ Chí Minh vang lên trong lương tri của nhân loại yêu hòa bình, yêu tự do công lí/ chân lí. Và Tư tưởng của Người đã, sẽ mãi mãi là biểu tượng nhân văn của nền văn minh trí tuệ, của xã hội tri thức, của xã hội Con người yêu thương Con người.
Tư tưởng Hồ Chí Minh khi mới xuất hiện trong lịch sử đã có sự cọ sát, va đập mạnh mẽ với mọi lí thuyết, điều đó đã được lịch sử chứng minh. Song chính quá trình tác động thâm nhập hòa điệu biện chứng giữa các lí thuyết Đông - Tây, từ truyền thống đến hiện đại, đã làm cho bản chất khoa học và nhân văn của tư tưởng Hồ Chí Minh tỏa sáng, được sự kiểm chứng của thực tiễn, Tư tưởng Hồ Chí Minh ngày càng tỏ rõ tính ưu việt trong đời sống nhân sinh. Tư tưởng Hồ Chí Minh khi mới ra đời đã vấp phải nhiều sự phê phán (theo nghĩa tích cực của triết học), nhưng trải qua những biến thiên, thăng trầm của lịch sử, sức sống của Tư tưởng Hồ Chí Minh ngày càng trở nên hấp dẫn, và tỏ rõ tính chiến đấu, tính khoan dung, tính cảm hóa từ chiều sâu thẳm của Văn hóa tri thức. Thật vậy ngay từ đầu thế kỷ XX, học giả kiêm nhà thơ, nhà báo nổi tiếng người Nga O. Mandenxtam đã ghi nhận và tiên cảm về lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh) thật cô đọng khái quát “…Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa Châu Âu, mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai…”. Đó là một phát hiện thiên tài về thiên tài.
Nhìn từ khung khổ lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam, sau những khủng hoảng về tư tưởng lãnh đạo cách mạng Việt Nam, năm 1938 Tư tưởng Hồ Chí Minh được vận dụng sáng suốt trở lại, dưới sự lãnh đạo của Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ (1912 - 1941). Từ năm 1941, Tư tưởng Hồ Chí Minh được hoàn chỉnh về bản thể luận, về nhận thức luận, về phương pháp luận đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng Con người, chiến đấu cho hạnh phúc Con người.
*
Với ý nghĩa lí luận và ý nghĩa thực tiễn, Tư tưởng Hồ Chí Minh ngay từ đầu thập kỷ 50 của thế kỷ XX đã được học giả uyên bác, cố giáo sư Tạ Quang Bửu (1910 -1986). Đề xuất nghiên khoa học cấp Nhà nước, nhưng vì những lí do khách quan mà cả dân tộc đang tập trung sức mạnh tổng hợp cho cuộc trường kì kháng chiến chống thực dân xâm lược để giải phóng đất nước. Người thứ hai đề xuất nghiên cứu Tư tưởng Hồ Chí Minh là cố giáo sư viện sĩ Nguyễn Khánh Toàn (1905 - 1993), tuy nhiên với đức tính khiêm tốn của mình khi sinh thời Bác đã không đồng ý cho nghiên cứu về Bác, nhằm tránh lãng phí cho Đảng, cho dân, mà cần tập trung xây dựng miền Bắc, và thực hiện đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà.
Nhìn từ phía các nhà khoa học xã hội nhân văn, một bộ phận các nhà nghiên cứu vẫn tiếp tục tìm hiểu nghiên cứu Tư tưởng Hồ Chí Minh theo nhóm độc lập, xuất phát từ tình cảm thiêng liêng kính trọng, từ tinh thần khoa học đối với lãnh tụ Hồ Chí Minh. Và những công trình đó thường giới hạn ở những chuyên luận, tiểu luận nghiên cứu về thơ, văn Hồ Chí Minh, chủ yếu để giảng dạy ở nhà trường. Còn những công trình mang tính chuyên sâu về Tư tưởng Hồ Chí Minh thường nghiên cứu theo khung khổ của hệ thống trường Đảng cũng nhằm giáo dục cho cán bộ đảng viên, trong diện hẹp, chứa đựng tính chất của biên niên sử, theo tinh thần sử học mác xít.
Đầu thập kỷ 70 của thế kỷ XX, kể từ khi Bác Hồ về với “thế giới Người hiền”, phong trào nghiên cứu Tư tưởng Hồ Chí Minh mới thực sự bước vào một mô hình nghiên cứu có hệ thống do Ủy ban khoa học xã hội Việt Nam tổ chức thực hiện, mà người đóng góp công sức và cho ý kiến chỉ đạo kịp thời cho việc đặt nền móng và phương pháp luận nghiên cứu khoa học là cố GSVS Nguyễn Khánh Toàn. Nhóm nghiên cứu thành công bước đầu phải kể đến nhóm nghiên cứu của cố giáo sư Trần văn Giàu (1911 - 2010). Sau này nhiều thế hệ học trò của ông đều nghiên cứu sâu sắc và toàn diện về Tư tưởng Hồ Chí Minh. Cuối thập kỷ 90 của thế kỷ XX đề tài khoa học “K C X 02 - Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh” do đại tướng Võ Nguyên Giáp (1911 - 2013) và Giáo sư Đặng Xuân Kỳ (1931 - 2010) làm chủ nhiệm đề tài, Tư tưởng Hồ chí Minh được soi chiếu bằng nhiều phương pháp khoa học mà quan trọng nhất phải đề cập đến phương pháp liên ngành. Và tính đến nay (2021) theo thống kê chưa đầy đủ, những công trình của tập thể và cá nhân nghiên cứu về Tư tưởng Hồ Chí Minh đã được ghi nhận là trên 600 công trình/tác phẩm có chất lượng khoa học.
Tư tưởng Hồ Chí Minh được coi là tài sản tinh thần vô cùng quý báu của Đảng cộng sản Việt Nam của giai cấp công nhân Việt Nam, của dân tộc Việt Nam, của toàn thể nhân dân lao động Việt Nam. Chiến lược văn hóa tư tưởng của Đảng là không ngừng củng cố và hoàn thiện việc “học tập tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh” cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân theo cơ chế tự giác thiết thực “mềm dẻo” và hiệu quả hơn nữa. Nhằm thấm nhuần vào đời sống tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân lao động, vào từng cá nhân theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê Nin “Lí luận sẽ trở thành sức mạnh vật chất một khi nó thâm nhập được vào quần chúng”
Xuất phát từ quan điểm đó Đảng cộng sản Việt Nam đã phân công cho Ban bí thư Trung ương Đảng chỉ đạo trực tiếp Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức thực hiện biên soạn giới thiệu bộ sách “Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ - Văn nghệ sĩ với Hồ Chí Minh”. Nhà xuất bản Hội Nhà văn là đơn vị cấp hai của Hội Nhà văn Việt Nam vinh dự được đón nhận trọng trách biên soạn, biên tập, in ấn bộ sách “Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ - Văn nghệ sĩ với Hồ Chí Minh”. Dự án được thực hiện trong 4 năm (2010 -2013). Đối với Nhà xuất bản Hội Nhà văn nhận thức sâu sắc rằng ngoài việc thực hiện công tác chuyên môn, đây còn là nhiệm vụ chính trị vô cùng quan trọng được Đảng tin yêu giao phó.
1.Về quy trình thực hiện công tác nghiệp vụ để hoàn thành bộ sách, Ban bí thư yêu cầu thành lập một Hội đồng thẩm định nội dung, Ban thư kí, Ban biên soạn. Khi tập thể Ban biên tập/ biên tập viên Nhà xuất bản sưu tầm, được tài liệu phải trình Ban biên soạn, để chỉnh lí tham gia góp ý về quan điểm nguyên tắc lựa chọn tài liệu cần thiết… sau đó sẽ tiếp tục trình Ban thư kí (là tập thể cán bộ giúp việc cho Hội đồng thẩm định nội dung). Ban thư kí đọc duyệt và xác minh thêm về độ tin cậy của các dạng tài liệu liên quan và cho ý kiến để hoàn thiện văn bản nội dung. Tiếp theo Ban thư kí trình Hội đồng thẩm định nội dung, Hội đồng thẩm định nội dung đọc duyệt và thảo luận qua nhiều phiên họp, có sự phản biện của nhiều chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực Hồ Chí Minh học, nhằm làm cho hình thức kết cấu và nội dung cụ thể trong từng văn bản có sự thống nhất theo chủ đề và phản ánh đúng tinh thần Văn hóa, Văn nghệ liên quan đến Hồ Chí Minh và văn nghệ sĩ.
Kết thúc những phiên họp thảo luận, trả lời phản biện xong hết các vấn đề không còn tranh luận nữa, Chủ tịch Hội đồng thẩm định nội dung mới kết luận và ghi vào biên bản ghi nhớ để Nhà xuất bản thực hiện.
2. Về công tác sưu tầm tra cứu tài liệu, Nhà xuất bản Hội Nhà văn phân công cụ thể cho từng biên tập viên đến các cơ quan chủ quản, có thẩm quyền lưu trữ, quản lí tài liệu về lãnh tụ Hồ Chí Minh đọc sơ bộ, ghi chép và đánh dấu thư mục tài liệu, biên tập viên báo cáo về Ban biên tập Nhà xuất bản về loại hình, cấp độ tin cậy của của tài liệu, sau đó mới đọc sâu đối chiếu trên nhiều nguồn tài liệu khác nhau, để so sánh giữa các tài liệu có cùng nội dung và xác định nguồn gốc xuất xứ, đồng thời xác định nhân thân tác giả viết về Bác. Còn các tài liệu, trước tác của Bác mà khả năng của biên tập viên không thạo Hán ngữ hoặc pháp ngữ, Nhà xuất bản Hội Nhà văn mời các giáo sư, các chuyên gia đầu ngành của từng lĩnh vực độc lập thẩm định giúp. Trường hợp có tài liệu còn tranh cãi, chưa được giải mật, Nhà xuất bản Hội Nhà văn không đưa vào bộ sách Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ - Văn nghệ sĩ với Hồ Chí Minh. Một hướng khác cũng được Nhà xuất bản Hội Nhà văn áp dụng, đối với cá nhân đang lưu giữ những tài liệu về Bác như ảnh, vật kỷ niệm, bút tích… đều được Nhà xuất bản Hội Nhà văn nhờ các Viện khoa học xác minh tính chân thực về cấu tạo hợp chất (vật lưu trữ) và tính lịch sử, tính pháp lí (bút tính, văn bản) của từng văn bản…Nhìn chung là các khâu trong việc xử lí tài liệu đều được sự khảo chứng của khoa học một cách khách quan nhất.
3. Nguồn tài liệu chính thức được căn cứ, tham khảo và dẫn nguồn, coi làm mẫu mực để sử dụng cho bộ sách Hồ Chí Minh với Văn nghệ sĩ, Văn nghệ sĩ với Hồ Chí Minh bao gồm ba bộ sách chính, có đầy đủ thẩm quyền về nội dung (khoa học văn bản) và cơ sở pháp lí.
1. Hồ Chí Minh toàn tập (NXB Chính trị quốc gia - 2009)
2. Tổng tập Văn kiện của Đảng (NXB Chính trị quốc gia - 2009)
3. Tổng tập Văn học Việt Nam (NXB KHXH - 1980)
Và hàng trăm tổng tập, toàn tập, tuyển tập văn học nghệ thuật viết về lãnh tụ Hồ Chí Minh của nhiều nhà xuất bản trong nước và nước ngoài.
Nhà xuất bản Hội Nhà văn đã thống kê trong suốt quá trình thực hiện đọc biên tập, so sánh đối chiếu văn bản là hơn 3000 tài liệu công trình, tác phẩm (trong 4 năm). Ban biên tập gồm 6 thành viên chính và có sự tham gia thường trực của hơn 30 cộng tác viên là những nhà văn hóa, nhà văn, nhà nghiên cứu lí luận, các nghệ sĩ, các giáo sư của một số trường đại học và các Viện nghiên cứu thuộc các mảng chuyên môn khác nhau về khoa học xã hội nhân văn. Các cơ sở lưu trữ có chức năng quản lí nhà nước và các cơ quan chủ quản thuộc hệ thống trường Đảng, Văn phòng Trung ương Đảng, Nhà xuất bản Hội Nhà văn đã đến liên hệ và xin tư vấn giúp đỡ về tài liệu như: Văn phòng Trung ương Đảng, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia, Viện nghiên cứu Hồ Chí Minh và các lãnh tụ, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ ngoại giao,Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn. Đặc biệt về tư liệu ảnh, bút tích của lãnh tụ Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Hội Nhà văn lấy nguồn tư liệu từ Thông tấn xã Việt Nam, Bảo tàng Hồ Chí Minh (bảo tàng Trung ương - Hà Nội). .Trong quá trình thực hiện Dự án sách Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ, Văn nghệ sĩ với Hồ Chí minh, Nhà xuất bản Hội Nhà văn còn tham khảo các tài liệu của Đại sứ quán Pháp, Đại sứ quán Nga…, và một số Nhà xuất bản trong nước và nước ngoài đã từng xuất bản phát hành sách về lãnh tụ Hồ Chí Minh.
4. Về hình thức, (khổ sách 16 cmx24cm) cấu trúc Bộ sách Hồ Chí Minh với Văn nghệ sĩ, Văn nghệ sĩ với Hồ Chí Minh được kết cấu thành 11 tập, ngoài tiêu đề chính, mỗi tập sách còn có tiêu đề phụ để chỉ tên riêng cho từng tập. Bộ sách được chia thành 7 chủ đề chính (sẽ đề cập sâu hơn ở phần sau). Chủ đề 1, bao gồm 4 tập ,có tiêu đề phụ là: Hồ Chí Minh trong trái tim văn nghệ sĩ Việt Nam, riêng tập 3 có tiêu đề phụ: Hồ Chí Minh trong trái tim văn nghệ sĩ thế giới. Tập 1, 2, 4. chứa đựng 186 bài viết được chọn lọc trên 1200 bài viết qua các thời kì lịch sử, của các nhà văn, nhà thơ, của các học giả, nghệ sĩ trong nước từng được gặp hoặc làm việc công tác với Bác Hồ. Tập 3 chứa đựng 126 bài của Văn nghệ sĩ nước ngoài gồm hai thể loại chính là bút kí văn học và thơ ca. Chủ đề 2. có tiêu đề phụ: Hồ Chí Minh - tư tưởng và tác phẩm gồm tập 5, tập 6 là những trước tác của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Tập 5 chứa đựng 2 nội dung cơ bản. Phần 1 là: Tư tưởng về văn hóa văn nghệ, gồm 23 công trình, chuyên luận, tiểu luận và bài báo của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Phần 2 là: Tác phẩm văn xuôi, gồm 58 tác phẩm. Tập 6 chứa đựng toàn bộ sự nghiệp thơ của Người. chủ đề 3. có tiêu đề phụ: Tác phẩm văn học nghệ thuật về Hồ Chí Minh (thơ), gồm 252 bài thơ của 202 tác giả. Chủ đề 4 có tiêu đề phụ: Văn xuôi - Kịch bản sân khấu - kịch bản điện ảnh, chứa đựng 3 mảng nội dung tương ứng với tiêu đề phụ, tuy nhiên phần văn xuôi, chỉ sử dụng tác phẩm truyện - ký, được bố cục trong tập 8 gồm có 6 tác phẩm truyện - ký và 2 tác phẩm kịch bản sân khấu, 2 tác phẩm kịch bản điện ảnh. Chủ đề 5, có tiêu đề phụ: Nghiên cứu - Lí luận - Phê bình chứa đựng 5 nhóm vấn đề về văn hóa, văn nghệ, lí luận văn học, trong 21 bài tiểu luận nghiên cứu công phu khoa học. Chủ đề 6, có tiêu đề phụ Tác phẩm âm nhạc chứa đựng trong tập 10, bao gồm 166 nhạc phẩm của 125 nhạc sĩ. Trong đó có ba bản nhạc giao hưởng.
Chủ đề 7 có tiêu đề phụ: Nhiếp ảnh - Múa - Kiến trúc - Hội họa, chứa đựng
trong tập 11. phương pháp thể hiện trong chủ đề 7 chủ yếu bằng ảnh, bao gồm 436 bức ảnh thuộc nhiều mảng đề tài khác nhau xoay quanh cuộc đời sống động của lãnh tụ Hồ Chí Minh.
5. Nội dung cơ bản của Bộ sách Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ, văn nghệ sĩ với Hồ Chí Minh, bao gồm hai nội dung chính và xuyên suốt chỉ đạo toàn bộ tác phẩm. Đó là tình cảm vô cùng thiêng liêng, thành kính của giới văn nghệ sĩ trong nước và nước ngoài viết về lãnh tụ Hồ Chí Minh, không phải bằng sự tưởng tượng hư cấu, bay bổng lãng mạn, mà bằng chính sự trải nghiệm sâu sắc trên cơ sở thực tế khách quan mà các tác giả từng làm việc, cộng tác, với lãnh tụ Hồ Chí Minh trong quá trình hoạt động đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc. Có những trường hợp được gặp gỡ, được Người ân cần chỉ bảo, năm tháng qua đi đã trở thành kỷ niệm trong tâm thức, trở thành dấu ấn lịch sử cá nhân. Và cao hơn hết là những việc làm, những lời căn dặn của Bác đã trở thành mục tiêu sống, thành ý nghĩa cùa cuộc đời mỗi cá nhân. Mỗi câu chuyện trong tác phẩm Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ, văn nghệ sĩ với Hồ Chí Minh, đều phản ánh về một triết lí sống, về một hành động sống, về một mục đích sống - Sống chiến đấu vì hạnh phúc Con người. Sống thương yêu Con người, Con người thân thiện với môi trường sống tạo thành văn hóa lối sống cộng cảm, cộng sinh, liên thông chủ thể văn hóa. Mỗi bài học rút ra từ trong 186 bài viết về những kỷ niệm sâu sắc với Lãnh tụ Hồ Chí Minh đều hàm chứa bản sắc văn hóa Việt Nam, độc đáo minh triết Việt.
Đối với văn nghệ sĩ nước ngoài, khi viết về Lãnh tụ Hồ Chí Minh hoàn toàn do sự thao thức của ánh sáng lí tính, của tinh thần liên thông chủ thể văn hóa của sự khâm phục trước Nhân cách thiên tài Hồ Chí Minh - “Người là ánh sáng đế quốc tan tành hết”. Với 126 bài viết (văn xuôi và thơ) của 126 tác giả nước ngoài thuộc 79 quốc gia và vùng lãnh thổ, đã ngợi ca lãnh tụ Hồ Chí Minh là anh hùng của thời đại chúng ta. Từ nhiều góc độ, từ nhiều hướng tiếp cận khác nhau khi đánh giá, luận bàn bàn Con người và sự nghiệp của lãnh tụ Hồ Chí Minh, đều toát lên hằng số: Hồ Chí Minh là anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới. Viết về Người, nói về Người, nghĩ về Người không phải để xưng tụng một chiều theo phản ứng tâm lí đám đông thông thường, mà điều quan trọng và thật sự có ý nghĩa là cải tạo, tu dưỡng, Con người biết khiêm tốn hơn nữa, biết thương yêu Con người hơn nữa, biết hành động hướng tới những giá trị cao đẹp nhất mang tính Người nhiều nhất. Bản chất Nhân cách văn hóa Hồ Chí Minh là giản dị trong sáng, thiết thực cụ thể, lí thuyết phải đi đôi với thực hành. Hồ Chí Minh vừa là người thầy hướng đạo tinh thần kiên nhẫn bên cạnh mỗi bước đi của chúng ta, vừa là một triết nhân luôn luôn soi sáng chúng ta.
Phần tác phẩm văn học nghệ thuật sáng tác về hình tượng lãnh tụ Hồ Chí Minh, được giới văn nghệ sĩ trong nước khắc họa bằng các loại hình nghệ thuật. Ở các tác phẩm truyện ký, kịch bản sân khấu, kịch bản điện ảnh, trong Bộ sách Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ, văn nghệ sĩ với Hồ Chí Minh, hình tượng Bác Hồ hiện lên bao giờ cũng là ánh sáng của trí tuệ, của tình thương, của lẽ phải. Trong mọi hoàn cảnh, Người luôn luôn khẳng định dĩ bất biến ứng vạn biến, thực tế Người đã hành động một cách hiệu quả nhất. Trong nhóm các loại hình nghệ thuật này đều phản ánh toàn diện Con Người Hồ Chí Minh ở các cấp độ của cái đẹp, đẹp về ngoại hình, đẹp về động tác về tư thế, đẹp về bố cục, (đối với nghệ thuật hội họa, nhiếp ảnh, điêu khắc…). Trung tâm của sự đẹp toàn diện, toàn mĩ trong tác phẩm văn học nghệ thuật, được thể hiện thông qua các bối cảnh, không gian nghệ thuật, hình tượng Bác Hồ là biểu tượng cho phương pháp đấu tranh cách mạng đúng đắn, cho nghệ thuật đấu tranh giành độc lập cho dân tộc. Bác Hồ luôn luôn khao khát tột bậc là chiến đấu mang lại hạnh phúc cho dân tộc Việt Nam. Đồng thời có vẻ đẹp của tâm hồn thi nhân hòa quyện trong tâm hồn của triết nhân.
Trong các tác phẩm thơ và âm nhạc hình tượng Bác Hồ là viên ngọc quý không tì vết, là tấm gương sáng mọi kiếp người, là kim cương bất hoại, là nguồn cảm hứng kì diệu nhất của các thi nhân, của các nhạc sĩ, mà nhạc sĩ Văn cao đã viết Người về đem tới ngày vui… Hồ Chí Minh: ý muôn người trong một Người… vinh quang nhân dân Việt Nam. Nhà thơ Chế Lan Viên đặc tả và khái quát về lãnh tụ Hồ Chí Minh với ba định thức: Người đi tìm hình của nước, Cách mạng chương đầu, Người thay đổi đời tôi Người thay đổi thơ tôi. Song được biểu đạt bằng ngôn ngữ thơ điêu luyện tài hoa, Hình của Đảng lồng trong hình của Nước/Phút khóc đầu tiên là phút Bác Hồ cười. Thống nhất các hệ ý tưởng, các dạng thức ngợi ca Bác Hồ, đều chứng minh cho luận điểm: “Người là tượng trưng tinh hoa cho dân tộc Việt Nam. Dân tộc ta nhân dân ta, non sông ta, đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch Người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta”.
Sáng tác về đề tài lãnh tụ Hồ Chí Minh ở các lĩnh vực nghệ thuật là ý thức tự giác của văn nghệ sĩ, song còn là vô thức của những phút thăng hoa tràn đầy xúc cảm của văn nghệ sĩ, mà chính ở những đỉnh điểm của vô thức trong sáng tạo nghệ thuật đã mang lại những tác phẩm vượt qua khung khổ của mọi giới hạn. Trong tác phẩm Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ, văn nghệ sĩ với Hồ Chí Minh, có rất nhiều tác phẩm được coi là kiệt tác viết về Người.
Nội dung thứ hai trong tác phẩm Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ, văn nghệ sĩ với Hồ Chí Minh, là những trước tác của Người, bao gồm thơ và văn xuôi. Giới hạn trong tập 5 và tập 6 (Hồ chí Minh tư tưởng và tác phẩm) đã cung cấp đầy đủ về sự nghiệp sáng tác văn học nghệ thuật của Người. Phần 1 của tập 5 có tiêu đề: Tư tưởng về văn hóa - văn nghệ, chứa đựng 23 tác phẩm chính luận của Người. Trong đó có hai kiệt tác vĩ đại nổi tiếng của Người là tác phẩm Đường cách mạng và Không có gì quý hơn độc lập tự do.
21 tác phẩm báo chí chính luận của Người tập trung vào nhiều vấn đề thuộc phạm vi văn hóa, văn nghệ vừa có tính nhận thức, vừa có tính phương pháp luận cho chỉ đạo hoạt động sáng tạo nghệ thuật. Người bàn thấu đáo từ cách viết, cho đến ngôn ngữ tiếng Việt. Về sáng tạo nghệ thuật, Người yêu cầu văn nghệ sĩ phải Miêu tả cho hay, cho chân thật, cho hùng hồn. người quan tâm sâu sát đến mọi công việc từ vĩ mô cho đến những yếu tố vi tế nhất trong quá trình tác nghiệp của văn nghệ sĩ, phóng viên báo chí. Quan niệm của Bác Hồ, Nhân sĩ phải là chiến sĩ. Về văn hóa Bác căn dặn Văn hóa phải thiết thực phục vụ nhân dân, góp phần vào việc nâng cao đời sống vui tươi lành mạnh của quần chúng. Nhằm quan tâm bồi dưỡng cho thế hệ đời sau, người lưu ý, cũng là tư tưởng chỉ đạo Các nhà văn hóa Việt Nam hãy chú ý đặc biệt đến nhi đồng.
Mục tiêu của Bác không phải là lập thuyết về văn hóa học, mà Bác là Người thực hành lí thuyết cách mạng để làm cho Văn hóa soi đường cho quốc dân đi một cách đúng đắn nhất. Thông qua tác phẩm báo chí chính luận của Người, tiếp cận với phong cách biểu đạt ngôn ngữ của Người, về quan niệm văn hóa trong cõi nhân sinh, Bác Hồ là Người hành động văn hóa tích cực nhất về văn hóa học.
Phần 2 của tập 5, có tiêu đề tác phẩm văn xuôi, chứa đựng 58 tác phẩm của Người, được viết từ năm 1922 đến 1962. Tác phẩm văn xuôi của Người thể hiện một trí tuệ uyên thâm, vừa nghiêm cẩn, vừa hài hước châm biếm, đả kích những hạn chế của chủ nghĩa đế quốc, phong kiến. Tác phẩm của Người thể hiện khát vọng hòa bình, giá trị hòa bình phải được ưu tiên trong ứng xử của các cộng đồng người trên thế giới. Đặc điểm văn phong của Người là giản dị, trong sáng khúc triết, mẫu mực về khả năng sử dụng ngôn ngữ. Nội dung tư tưởng tác phẩm bao giờ cũng là tiến công cách mạng.
Trong phần 2 có kiệt tác vĩ đại cuối cùng của Người để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta, đây là tác phẩm được coi là báu vật quốc gia. Người để lại điều mong muốn cuối cùng “Toàn Đảng toàn dân ta phải đoàn kết chiến đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.
Toàn bộ sự nghiệp thơ ca của Người được tập hợp trong tập 6 (Hồ Chí Minh - tư tưởng và tác phẩm). Những vấn đề về hình thức nghệ thuật và nội dung tư tưởng thơ văn của Hồ Chủ tịch đã được nhiều nhà nghiên cứu làm rõ. Nhất là trong tập 9 của bộ sách này, với 21 tiểu luận đã đánh giá và minh định hết sức khoa học và tràn đầy cảm xúc. Tuy nhiên cũng cần nhấn mạnh mấy điểm quan trọng đó, giá trị về mặt văn bản học, nhất là đối với văn bản chữ Hán bản gốc, bút tích của Hồ Chủ tịch được giải mật từ nhiều nguồn lưu trữ của Bảo tàng Hồ Chí Minh. Đây là vấn đề cực kì có ý nghĩa thực tiễn trong việc chứng minh bác bỏ những luận điểm phản động, muốn phủ định bôi nhọ lãnh tụ, muốn giải thiêng sự trong sáng của Người. Qua đó công lí, chân lí thực sự thuộc về Người, bảo vệ Người.
Hồ Chí Minh hằng số văn hóa của phép biện chứng mở. Hồ Chí Minh - biểu tượng và Người mang chở những giá trị văn hóa Đông - Tây kim cổ
Lời tạm đóng cho bài viết khép lại để mở ra những chia xẻ, đồng cảm, trao đổi chân thành và nghiêm túc trên tinh thần đối thoại của tình thương yêu và lẽ phải.
Nguyễn Văn Sơn