Thơ không phải con lừa để người ta chất lên vai nó mọi thứ
Nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh (thứ 3 từ phải sang) nhận giải thưởng Hội Nhà văn năm 2024 cho tập thơ “Viễn ca”
5,5 điểm cho “Viễn ca”
Chúc mừng anh vừa giành giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam với tập thơ “Viễn ca”, nhiều người nói đây là dấu mốc chuyển mình trong thơ Nguyễn Tiến Thanh, anh nghĩ sao về nhận xét này?
Tất cả những người viết, không chỉ có tôi, thì đều có nhu cầu đổi mới. Mỗi người viết, trước hết phải khẳng định bản sắc của mình, nhưng bản sắc không có nghĩa là không thay đổi. Người viết luôn phải sống trong tâm thế thời đại, mỗi thời có tâm thế khác nhau, chúng ta đang sống trong một thế giới mà công nghệ phát triển như vũ bão, mọi loại hình nghệ thuật đều thay đổi, sự thưởng thức của người đọc cũng thay đổi, thì bản thân người viết cũng không thể mãi như cũ.
Sự thay đổi này có chủ ý hay là một diễn biến tự nhiên trong hành trình sáng tác của anh?
Tôi không đặt đổi mới làm cái đích. Tôi không chạy theo sự khác biệt mà để thơ phát triển theo những gì tôi cảm nhận. Điều quan trọng là nhịp điệu có gắn với hơi thở thời đại không, có chạm được vào người đọc không. “Viễn ca” là một tập thơ của người đàn ông trưởng thành, không còn sự bồng bột như thời trẻ. Trước đây, bạn bè từng bảo tôi mãi là một chàng trai ham chơi, không nghiêm túc, nhưng rồi tôi cũng làm cha, làm thầy, và điều đó phản ánh vào thơ. Tôi muốn bứt ra khỏi hình ảnh của một kẻ trung niên bồng bột để trở thành một người trưởng thành thực sự.
Nếu mà chấm điểm thì anh cho “Viễn ca” điểm mấy?
Với tất cả khát vọng và mong muốn của mình, tôi cho nó 5,5 điểm. Hai tập trước (“Loạn bút hành” và “Chiều không tên như vết mực giữa đời”) tôi chỉ chấm 5 điểm thôi.
Chân dung nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh qua nét vẽ của Đỗ Hoàng Tường |
Anh viết có khó khăn không?
Cũng tùy. Có những bài chỉnh sửa vài chục lần. Nhưng cũng có những ngày viết vài bài không chỉnh sửa gì. Lại có những thời điểm vài năm không viết. Nói thật tôi là người lười biếng. Làm thơ ngoài những yếu tố như nó phù hợp với tố chất thì nó còn rất hợp với người lười. Quá trình sáng tác nhanh và có thể làm mọi lúc, ở mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh, kể cả khi ngủ, khi ăn, khi đi họp… Trong khi những người viết tiểu thuyết, văn xuôi thì đừng hòng, họ phải ngồi vào bàn, nghiêm túc đối mặt với cái máy tính. Tôi luôn khâm phục các tiểu thuyết gia là vì thế.
Tôi tò mò là trong quá trình sáng tác, anh có ý thức tìm điểm giao với người đọc không, hay trước hết, tối ưu và quan trọng nhất là thỏa mãn mình trước?
Mình là tối thượng chứ, tuy vậy đó cũng là một công thức mang tính lý thuyết. Bởi vì, nếu tác phẩm có thể lan tỏa và được độc giả đón nhận thì cũng là một cảm hứng. Tất nhiên có những tác giả ở thời đại họ không ai chấp nhận, mãi sau này hậu thế mới tung hô, nhưng tôi nghĩ đó cũng là số phận thôi chứ bản thân họ cũng không mong muốn thế.
Người ta đang phỉ báng, lên án cái không phải là thơ
Được biết anh làm thơ rất sớm, từ 16 tuổi đã bắt đầu gây chú ý, cho đến hiện tại, anh với thơ ca cũng coi như không rời không bỏ. Sự thực thì điều gì khiến anh gắn bó lâu dài với thơ đến vậy?
Tôi yêu thơ nhưng cũng dị ứng với việc coi thơ là tất cả. Thơ không phải là triết học, nếu muốn làm triết học đi viết triết đi, thơ cũng không phải câu chuyện, nếu muốn câu chuyện ông đi viết tiểu thuyết đi, thơ nó cũng không phải là lịch sử, tuyên ngôn hay cái gì cả. Thơ không phải con lừa để người ta chất lên vai nó mọi thứ. Và nếu như thế thì nó không bao giờ có thể đi lên đỉnh thi sơn.
Thơ là thơ thôi. Là một sản phẩm của cảm xúc, trái tim được thể hiện ra bằng ngôn ngữ. Nhưng dù tân hình thức hay gì đi nữa thì thơ phải có nhịp điệu, tôi nói nhịp điệu chứ không nói vần. Và thơ phải là thứ để người ta nhớ, thuộc được.
Nhân Ngày thơ sắp tới, Hội Nhà văn sẽ có một hội thảo về trách nhiệm xã hội của nhà thơ, theo anh, với tư cách một người viết, trách nhiệm xã hội của nhà thơ là gì?
Trước hết, nhà thơ là một công dân, và như mọi công dân khác, họ phải có trách nhiệm với xã hội. Nhưng điều quan trọng hơn, nhà thơ còn có trách nhiệm với chữ, với chính mình và với độc giả của họ. Đó chính là trách nhiệm xã hội của một người cầm bút, không chỉ viết vì cảm xúc cá nhân mà còn phải ý thức được giá trị của ngôn từ mình tạo ra.
Tôi bắt đầu làm thơ từ rất sớm, thời sinh viên cũng từng được đón nhận khá tốt, nhưng tôi không vội in sách. Hai mươi mấy năm sau, tôi vẫn chưa in, đơn giản vì chưa cảm thấy thực sự xứng đáng. Tôi luôn có ý thức rằng, nếu đã xuất bản, thì phải là một tập thơ đủ sức thuyết phục, đủ để tôi không phải “ngượng” về sau.
Trong thời gian giãn cách vì Covid, tôi tình cờ đi uống rượu với bạn bè, Đỗ Anh Vũ bất ngờ đọc thuộc lòng một bài thơ của tôi từ thời sinh viên, bài thơ mà chính tôi cũng không còn nhớ rõ. Rồi một độc giả từ Canada gửi cho tôi một bài khác, một bài mà tôi cũng đã lãng quên. Từ những khoảnh khắc đó, tôi mới thấy mình có nhu cầu quay lại với thơ, tập hợp và in lại những tác phẩm cũ, như một cách lưu giữ chính mình.
Thực tế, ngày nay thơ ca dường như không còn giữ vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của công chúng như trước, điều này có khiến những người làm thơ như anh nhụt chí không?
Tôi không nghĩ vậy. Thơ không mất đi, chỉ là nó hiện diện theo những cách khác nhau. Ngày xưa, thơ có mặt trong mọi ngõ ngách đời sống vì không có nhiều loại hình giải trí khác. Còn bây giờ, sự cạnh tranh lớn hơn, nhưng thơ vẫn có sức sống riêng. Người ta vẫn nhắc về thơ, thậm chí những ai phê phán thơ, chê bai thơ, thì cũng là vì họ còn quan tâm đến thơ.
Ngay cả những người bỉ bôi, chê bai, dè bỉu thơ?
Đúng. Những người lên tiếng về thơ, có thể nghiêm túc, có thể hài hước, thậm chí phê phán thì chứng tỏ họ vẫn có một sự quan tâm nhất định nào đó, chứ nếu không thì họ sẽ không đả động đến nó làm gì. Vấn đề nằm ở chỗ những cái mà mọi người đang phê phán kia không phải là thơ. Nếu thơ hay, nó sẽ được chia sẻ, sẽ lan truyền, sẽ tồn tại. Tôi cho rằng thơ sẽ không bao giờ mất đi trong đời sống con người. Thơ đích thực sẽ không bao giờ bị lên án, không bao giờ bị ruồng bỏ, không bao giờ bị xa lánh và luôn luôn được đón nhận.
Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!
HẠNH ĐỖ
(Nguồn: https://tienphong.vn)