cart.general.title

Nỗi buồn kết lại thành thơ

Mỗi nhà thơ có một khái niệm riêng về thơ. Riêng đối với thi sĩ Khét, tôi cho rằng thơ anh là kết tinh của những nỗi buồn và sự trăn trở của kiếp người. Bởi lẽ những cảm xúc ấy trải dài trong những tập thơ của anh. Kể cả tập thơ “Nở thêm một cánh chuồn chuồn”, cái tên đầy hi vọng và sự sống nhưng vẫn mang một gam màu buồn bã.

Thi tập chỉ vỏn vẹn 33 thi phẩm, nhưng cầm trên tay, người đọc sẽ cảm nhận đôi tay mình nặng trĩu những nỗi niềm mà tác giả gửi gắm vào tác phẩm. Đó là tiếng lòng khắc khoải của một kẻ còn nặng nợ với quê hương, là sự suy tư về kiếp sống của mình, là những thanh âm trầm buồn của tình yêu và của quá khứ… Những nội dung ấy được bố trí trong ba phần: về sự tận cùng của thơ & người, cái yêu mang hình chóp bẻ và sinh ra nhau.

Đơn cử như bài thơ mở đầu cho “Nở thêm một cánh chuồn chuồn”, bạn đọc sẽ cảm nhận ngay được nỗi niềm của một kẻ mang quê xứ ra đi như trốn chạy kiếp sống cơ cầu: “tôi lại cùng dòng người/ bỏ quê/ trong đêm… trong đêm/ chúng tôi quờ quạng/ bỏ quê/ ú ớ/ tiếng đồng hương đắng cổ họng/ bao thế hệ đã đi suốt mấy nghìn đêm…” (đêm xứ này). Đọc những câu thơ ấy, tôi chợt xúc động nhớ lại cái “Đêm xa làng đong đầy nước mắt/ Đêm xa làng lòng đau như cắt” của thi sĩ Nguyễn Ngọc Hạnh. Rõ ràng, chữ “lại” đã cho thấy Khét không phải lần đầu “dứt áo ra đi”, nhưng tình quê hương, sự day dứt khi phải xa quê lìa xứ cứ mãi khiến cho trái tim anh oằn nặng nỗi day dứt. Và vì: “quê hương ở phía sau/ nhưng mắt ta lại mọc phía trước/ chúng mình chưa bao giờ nhìn chính diện quê hương” (này em), tác giả lại càng khắc sâu thêm nỗi hoài hương vào lòng mình.

Nhà thơ Trần Đức Tín dường như chưa bao giờ ngưng trăn trở về đời sống của mình, đại loại như mọi người vẫn hỏi “ta là ai?” vậy. “Nở thêm một cánh chuồn chuồn” cũng đầy rẫy những câu hỏi như thế: “tôi, cách nào để nảy mầm” (chọn), “sao ta không là gỗ đá/ đẽo mình để ghi/ sao ta không là tiếng tù và/ nhà vào lửa” (họ và ta) hay “vậy chúng ta là gì/ như mọi sinh vật khác/ mở mắt và đi/ làm thứ gì đó” (giấc mơ kí sinh)… Hàng loạt những câu hỏi xuất hiện trong các bài thơ như một sự khát khao tìm về bản thể của con người vậy. Khét không phải một nhà khoa học, cũng không phải một nhà tu hành, nên đích đến cuối cùng của hành trình truy tìm bản thể không phải là để siêu việt, mà là làm sao để tác giả và “em” với “chúng ta” sống ý nghĩa hơn.

Thơ của Khét thấp thoáng không biết bao nhiêu người, mà những bóng hồng có lẽ là nhiều hơn cả. Chẳng ai biết đó là ai. Song, như Hoài Thanh – Hoài Chân khi bình thơ Thế Lữ có nhắc, đại khái là mỗi người thiếu nữ đi qua đời thi nhân hay trong trí tưởng thì cũng đều mang một chút hương ân ái. Trong tập thơ này, dấu chân anh đặt ở Cà Mau, rồi ở Pù Luông, Cao Bằng, Huế… nên việc những đoá hồng mọc lên trong vườn thơ là điều dễ hiểu. Nhưng ở trong thơ, cũng có những mối tình khiến cho anh “Còn chút gì để nhớ”. Những lời hoài niệm ấy tình lắm, đẹp lắm mà đượm buồn: “em đã mang trăng đi đâu/ tôi quờ quạng mấy mùa đất nước” (thương thương), “em mang câu lượn đi rồi/ bỏ tôi lại với mùa len trâu/ lầm lũi” (mùa len tôi)... Khi “em” đi, “em” luôn lấy mất một cái gì đẹp lắm, mà mãi mãi trong đời “tôi” luôn ưu tư về những ngày tháng cũ càng như giấc mơ dang dở.

Có ngạn ngữ: “Nỗi buồn là di sản của quá khứ, sự nuối tiếc là nỗi đau của ký ức”. Khét luôn mang theo di sản của quá khứ và nỗi đau của kí ức, đến độ những điều đó đã làm ám ảnh thơ của anh, mãi chưa thoát ly được. Nhưng có lẽ nỗi buồn chính là hạt giống thơ của Khét. Điều đó chứng tỏ rằng, nỗi buồn không giết chết được anh, mà ngược lại, đó là động lực anh vươn lên, chiêm nghiệm thêm về cuộc sống để rồi cuộc đời lại “Nở thêm một cánh chuồn chuồn".

Nguyễn Nhật Thanh