BA NGƯỜI VƯỢT NGỤC GUYANE - BIỂU TƯỢNG CỦA Ý CHÍ VÀ TINH THẦN YÊU NƯỚC
Hành động “vượt ngục”, vốn xuất hiện rất sớm, từ khi xã hội loài người phân chia thành giai cấp.
Giai cấp thống trị muốn trấn áp xã hội để duy trì trật tự xã hội hiện tồn, tất yếu dẫn đến việc đàn áp giai cấp bị trị, đặc biệt là những cá thể (người), có tinh thần cách mạng muốn lật đổ giai cấp thống trị (để xây dựng chế độ xã hội mới), nhất định sẽ bị giai cấp thống trị khủng bố, nhẹ thì phạt hình, giam hãm trong tù ngục, nặng thì bị giết chết ngay lập tức. Và không ai có thể biết được chính xác, ngày đầu tiên là ngày nào trong lịch sử loài người đã xuất hiện hình thức giam giữ con người trong ngục tù. Tuy nhiên xét trên bình diện lịch sử, khái niệm vượt ngục và hành động vượt ngục đã xuất hiện trong lịch sử phát triển xã hội loài người từ thuở dã man và kéo dài đến xã hội loài người văn minh.
Đề tài “vượt ngục” từng được phản ánh trong rất nhiều nền văn hoá cổ xưa và nhất là trong nền văn hoá/văn minh hiện đại, nhiều công trình khoa học lịch sử và tác phẩm văn học nghệ thuật đã khảo sát, mô tả khái quát và đề cập sâu sắc từ nhiều góc độ tiếp cận khác nhau. Tất nhiên tính chất và nội dung của những cuộc vượt ngục của phạm nhân cũng có sự biệt hoá khác nhau về điểm xuất phát, về lí do bị giam giữ trong tù ngục và nhất là khác nhau về chất – tức là khác nhau về động cơ lí tưởng, mục đích của cá nhân (chủ thể vượt ngục). Có những phạm nhân là tội phạm hình sự nói chung và có những phạm nhân chính trị nói riêng. Ở phạm nhân chính trị, theo quan niệm của duy vật lịch sử, thông thường họ là những người có tinh thần cách mạng, bản chất của tinh thần đó là cải tạo xã hội, có thể là ôn hoà, phi bạo lực (dùng quyền lực mềm), có thể là cải tạo xã hội bằng bạo lực cách mạng. Đối với cả hai loại hình trên đều mâu thuẫn với giai cấp thống trị. Điều đó phán ánh mối quan hệ mâu thuẫn gay gắt giữa giai cấp thống trị và giai cấp bị thống trị trong xã hội loài người.
Công trình/tác phẩm Ba người vượt ngục Guyane (NXB HNV – 2025), của tác giả Đỗ Thái Bình, có thể nói là cuộc vượt ngục nổi tiếng của ba chí sĩ, nhà cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ XX. Trước hết cuộc vượt ngục có hành trình không gian địa lí rộng lớn, cách lãnh thổ Việt Nam nửa vòng trái đất, phải đi xuyên qua hai đại dương (Đại Tây Dương – Thái Bình Dương). Song nổi tiếng nhất đó là trí tuệ, bản lĩnh, ý chí thép của ba nhà chí sĩ cách mạng Việt Nam: Đỗ Văn Phong, Nguyễn Quang Diêu, Lý Liễu, đã vận dụng sáng tạo tinh hoa văn hoá Việt Nam trong ứng xử với phong ba bão táp trước cuộc đời, trước số phận, bao hàm cả ý nghĩa địa lí tự nhiên khắc nghiệt mà ba nhà chí sĩ cách mạng Việt Nam đã làm chủ và vượt qua một cách tốt đẹp lí tưởng nhất.
Công trình/tác phẩm Ba người vượt ngục, xét về loại hình, thể loại hoặc mã ngành nghiên cứu khoa học, chúng ta có thể thống nhất xác định - thuộc mã ngành khoa học lịch sử. Trong quá trình biên tập xuất bản phẩm Ba người vượt ngục, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, đã lựa chọn ghi danh thể loại trên bìa sách một cách trung tính và mang tính “mở”, đó là thể loại tư liệu.
Tác giả Đỗ Thái Bình vốn là hậu duệ của nhà chí sĩ cách mạng Đỗ Văn Phong, ông xuất phát là kỹ sư tàu biển, sở trường của ông là viết sách khoa học kỹ thuật. Song với tinh thần tri ân dòng tộc và biết ơn tiền tổ, tiền nhân sâu sắc, ông đã chuyển trọng tâm nghiên cứu khảo cổ học biển sang nghiên cứu mã ngành lịch sử Việt Nam hiện đại, mà trọng tâm là phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục (1907). Trong đó điểm xuất phát nghiên cứu bằng việc minh định làm sáng tỏ sự nghiệp cách mạng của ba nhà cách mạng (Đỗ Văn Phong, Nguyễn Quang Diêu, Lý Liễu), trong mối quan hệ với phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, mà ba nhà cách mạng nói trên với tư cách là thành viên. Kỹ sư Đỗ Thái Bình vốn am hiểu thông thạo ngôn ngữ Anh và Pháp, nên rất thuận lợi cho công việc tìm hiểu và kết nối nguồn tài liệu thuộc khối Anh ngữ và Pháp ngữ trên khắp thế giới. Từ năm 2011, ông bắt đầu tiến hành khảo sát kho tư liệu khổng lồ từ Paris và các thư viện ở châu Âu và châu Mỹ. Từ năm 2015, ông bắt đầu khởi thảo những dòng chữ đầu tiên đặt vấn đề nghiên cứu về nhà tù Guyane. Nhà tù Guyane là vùng/tỉnh thứ 18 của Cộng hoà Pháp nằm trên bờ Đại Tây Dương – Nam Mỹ, cách Việt Nam 17.000 km (theo đường chim bay). Nơi đây đế quốc Pháp đã từng giam giữ hàng vạn tù khổ sai, thuộc nhiều quốc tịch khác nhau, “Guyane, một vùng đất lưu đày các chiến sĩ Công xã Paris cho tới các nhà Nho tham gia gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, những chiến sĩ khởi nghĩa Yên Bái và những người cộng sản tại Thái Bình, một vùng đất thấm mồ hôi, máu và nước mắt người tù Đông Dương để mở các con đường khai thác vàng và khoáng sản…”. Trong đó người Việt Nam có khoảng 2000 người bị giam giữ từ cuối thế kỷ XIX tới những năm 50 của thế kỷ XX.
Công trình/tác phẩm Ba người vượt ngục, không kể phần mở đầu và chỉ mục, được cấu trúc với 7 chương chính văn và 5 phụ lục, tác giả khảo sát công phu với nguồn tư liệu chính xác đầy đủ có nguồn gốc rõ ràng đã được kiểm chứng bởi giới nghiên cứu khoa học quốc tế. Nội dung xuyên suốt của công trình phản ánh về cuộc đời hoạt động của ba chí sĩ cách mạng hoạt động trong phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, đầu thế kỷ XX. Cả ba người bị thực dân Pháp bắt và đưa ra xử cùng vụ án “Việt Nam Quang Phục Hội”, với bản án ngày 05 tháng 9 năm 1913, cùng đi đày biệt xứ tại Guyane. Vào năm 1917, cả ba người đã vượt ngục cùng 8 đồng chí khác và sau 8 năm, ba người trở về tiếp tục hoạt động cho tới khi qua đời tại các tỉnh miền Nam. Tuy nhiên phần trọng tâm của công trình tập trung nghiên cứu sâu sắc nhất vào giai đoạn đi tù và vượt ngục Guyane, với nhiều tư liệu mới lần đầu tiên được công bố tại Việt Nam. Ngoài các sự kiện, diễn biến được mô tả, khảo sát cụ thể về vùng đất, về nhà tù Guyane, tác giả Đỗ Thái cũng dành nhiều trang tâm huyết để khảo sát quá trình phát triển của hậu duệ ba nhà chí sĩ cách mạng, trong sự đóng góp vào quá trình khai dân trí một cách hiệu quả, tạo thành một trong những tiên đề quan trọng để huy động sức mạnh toàn dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc. Đặc biệt phải kể đến vai trò của Nhà xuất bản Mai Lĩnh, do Đỗ Văn Phong sáng lập và được các con cháu của cụ kế thừa phát triển, trở thành một thương hiệu nổi tiếng và đã từng cộng tác rất chặt chẽ với những người cộng sản để làm nên cuộc cách mạng Tháng Tám năm 1945 vĩ đại của dân tộc Việt Nam.
Công trình tư liệu lịch sử Ba người vượt ngục Guyane, có giá trị về mặt học thuật sâu sắc, có giá trị về mặt lịch sử, và có giá trị về mặt văn bản pháp lí trong công tác nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn. Giá trị về mặt tư liệu là tuyệt đối tin cậy lí tưởng. Giá trị ý nghĩa tư tưởng nổi bật của công trình mang đến thông điệp về biểu tượng của ý chí và tinh thần yêu nước vô hạn của ba nhà cách mạng được đề cập trong công trình.
Nguyễn Văn Sơn