NHỮNG CUỘC TRÀ TRÊN CĂN GÁC CŨ
- Danh mục: Văn xuôi
- ISBN: 978-604-9968-61-7
Tác giả:
- Khuôn khổ: 14 x 20,5 cm
- Số trang: 200
- Năm xuất bản: 2024
- Loại bìa: Bìa mềm
- Giới thiệu: Nói về cuốn mới của Trần Nhật Minh - tập tùy bút tản văn “Những cuộc trà trên căn gác cũ” nhưng sao tôi cứ nghĩ về thơ của Minh nhỉ? Mấy ngày nghỉ dài, thỉnh thoảng tôi lại lấy cuốn sách ra đọc, nhẩn nha. Văn của Minh, đúng là con người Minh vậy. Nói thế, là bởi có những thứ văn khác với người, khác xa lắm. Mà thời buổi này, thứ văn ấy, loại người ấy cũng nhiều…
Trong văn của Minh, là cảm xúc của ưu tư, ưu tư thời cuộc, ưu tư văn nghệ, ưu tư với người sáng tạo. Nhưng không phải thứ ưu tư thiên về phân tích, tổng hợp, trích dẫn; mà là thứ suy nghiệm thấm cái cảm, cái tình của tác giả. Từ cái yêu, thương, nhớ… Trần Nhật Minh viết. Có những đoạn, như rút ruột ra để viết.
Thế thì, đấy chính là lối viết của người làm thơ!
Và chính vì lý do đó, tôi nghĩ tôi “có quyền” nói về thơ của Minh, trong lúc nói về văn của anh.
Bỏ lại những ngày vừa cũ
chạm vào ngày mới tinh khôi
trên chuyến xe cuối mùa vừa đủ
cho mình và một khung trời
Xe lướt qua trăm miền đất lạ
những con sông và những cánh đồng
mở lòng mình xanh non như lá
rồi tan hoà vào cõi mênh mông
Bỏ lại muộn phiền bụi khói
ánh mắt nhìn khô lạnh cứa lòng nhau
những hoài nghi mệt phờ ngàn câu hỏi
cả viển vông học thuyết cũ nhàu
Phải dứt ra nhập vào ngày mới
đứa trẻ trong tôi thức gọi mặt trời
manh áo mỏng gói tấm thân mệt mỏi
tôi hồi sinh trên những rã rời
Cũng vì bởi có ai đón đợi
nơi cuối đường mặc kệ gió mưa rơi
trên xác ngày tưởng chừng hấp hối
lại mầm non khẽ cựa búp chồi…
(N G À Y M Ớ I - Trần Nhật Minh)
Bài thơ trên hé lộ con người sáng tạo Trần Nhật Minh. Giải mã vì sao anh viết, và vì sao anh viết như thế, với những “Tiếng Việt ơi tiếng Việt xót xa tình”, “Xuôi dòng đờn ca tài tử”, “Tô Hoài và những số phận khuất chìm”, “Những góc trời không son phấn”, “Màu Cầm”, “Những vùng Hiểm Địa Văn Chương”, “Những ‘ô cửa’ Nguyễn Quang Hưng”, “Ngọn gió thơ Trúc Thông”, “Thi sĩ của ‘Suối quên’”, “Nghệ sĩ của Phòng Bá âm”, “Tài hoa đi giữa miền phiêu lãng”, “Xuân Quang và ‘Địa chấn’”, “Người trong gương ấy còn đau hơn mình”…
“Những cuộc trà trên căn gác cũ” tiếp mạch văn của cuốn tản văn tùy bút trước “Miền sau cánh cửa”, định hình một văn phong Trần Nhật Minh: Chân thành và tinh tế; dường như không dụng công với hình thức thể loại mà cứ tự nhiên đi thẳng vào lòng người.
Tôi không nói nhiều thêm về cuốn mới của Minh nữa. Ai tò mò ai yêu thì phải đọc chứ.
Tôi cứ thích trích thơ Minh cơ:
Tôi xếp hàng
Chờ một phiếu thi đua
Đặt cược máu mình
Cho những bài sấp ngửa
Khi cuộc bàn tròn còn chưa ráo mực
nghe ngoài cửa sổ
Mấy chú chim líu lo
Rủ rê vào một cuộc hót mừng
Tôi xếp hàng
Chờ đến lượt mình
Để được hót những lời vay mượn
Rồi chờ mãi
gục xuống
Những dấu chân chồng lên nhau
Không khoan nhượng
Trong cơn mê
Chợt thấy vết chân mình đồng loã
Sực tỉnh
Tôi hót rõ to
Một lời câm tứa máu
Thoáng nghĩ, trong thơ Trần Nhật Minh quyết liệt hơn trong tùy bút tản văn? Cũng lại thoáng mong, thời gian tới anh dành nhiều thời gian thử sức với những thể loại truyện ngắn, tiểu thuyết?
Còn thơ thì trong năm nay, in luôn một tập đi chứ, Trần Nhật Minh!
(Lê Anh Hoài)