cart.general.title

BẢN TUYÊN NGÔN CỦA LƯƠNG TRI

 

Từ những năm 60 của thế kỷ trước, mỗi khi nước Mỹ tổ chức lễ nhậm chức Tổng thống, Nhà trắng đều mời một nhà thơ đến đọc thơ. Gần đây nhất, trong lễ nhậm chức của Tổng thống Joe Biden, Amanda Gorman, một nhà thơ 23 tuổi đã được mời đến đọc thơ trong sự kiện trọng đại này. Và bài thơ nhà thơ đọc có tên The Hill We Climb" (Ngọn đồi chúng ta chinh phục).

Mở đầu bài thơ, Amanda Gorman viết:

"Khi một ngày đến, chúng ta tự hỏi mình,

chúng ta có thể tìm thấy ánh sáng trong bóng tối vô tận này?

Mất mát mà chúng ta mang theo,

Vùng biển chúng ta phải vượt qua

Chúng ta đã học được rằng im lặng không phải lúc nào cũng bình yên"

Và kết thúc bài thơ, Amanda Gorman viết:

"Khi ngày đến chúng ta bước ra khỏi bóng tối

rực sáng và không sợ hãi

Bình minh mới mở ra rực rỡ khi được chúng ta giải phóng

Vì ánh sáng luôn có ở mọi nơi

Chỉ cần chúng ta đủ can đảm để nhận ra

Chỉ cần chúng ta đủ can đảm để làm điều đó"

Người Mỹ nói nước Mỹ có hai bản tuyên ngôn. Bản tuyên ngôn thứ nhất là bản tuyên ngôn của Tự do, của lập hiến. Còn bản tuyên ngôn thứ hai là bản tuyên ngôn của lương tri. Đấy là bản tuyên ngôn được viết bằng thơ ca của những nhà thơ có lương tri và lòng dũng cảm. Việc một nhà thơ đến đọc thơ trong một sự kiện chính trị trọng đại như vậy không phải là một chính sách văn hóa mà là những người tổ chức sự kiện này hay cụ thể hơn là những người lãnh đạo của đất nước này thực sự muốn nghe tiếng nói của lương tri thời đại họ được cất lên trong một ngày trọng đại của đất nước.

Bóng tối luôn sẵn sàng nhấn chìm con người khi con người sống trong sợ hãi. Và ánh sáng luôn mở ra khi con người đủ khát vọng và dũng cảm bước lên. Bài thơ của Amanda Gorman ngập tràn tinh thần đó. Thơ ca có đủ ngôn từ để ngợi ca cái đẹp, để tôn vinh con người, nhưng cũng đủ ngôn từ để lương tâm nổi giận. Thơ ca không phải để tô màu cho lịch sử, mà để lịch sử thức dậy đúng bản chất và tinh thần của nó, để thức dậy giấc mơ lớn lao của một con người, của một dân tộc từ máu và nước mắt trong chảy lịch sử đó, để gọi ra những nỗi đau của lịch sử và mở ra cánh cửa để con người đi qua nỗi đau đó. Thơ ca làm cho con người được quyền kiêu hãnh và cũng làm cho con người biết hổ thẹn.

Bài thơ của Amanda Gorman vừa là sự tôn vinh, vừa là sự phán xét nước Mỹ và vừa đặt ra những câu hỏi lớn cho toàn bộ dân tộc mình. Nhà thơ kêu gọi nước Mỹ "cam kết bảo vệ mọi văn hóa, mọi màu da, mọi cá tính và mọi thân phận con người".

Một nhà thơ Mỹ nói với tôi: "có những người khóc khi bài thơ của nhà thơ trẻ Amanda Gorman vang lên". Trong những người đã khóc vì kiêu hãnh, vì hổ thẹn vì ân hận cho một quá khứ nào đó hay cho một lầm lạc nào đó của nước Mỹ có thể có cả nước mắt của Tổng thống Joe Biden. Bản tuyên ngôn của Độc lập, Tự do, của lập hiến chỉ đọc một lần trong một thời điểm nào đó của lịch sử. Nhưng bản tuyên ngôn của lương tri con người phải được đọc ngày ngày ở mọi nơi chốn. Bản tuyên ngôn ấy phải công bố quyền được làm người của mọi thân phận, phải đánh thức lẽ làm người với tất cả từ Tổng thống đến một kẻ vô gia cư ở quảng trường Thời đại của nước Mỹ.

Nhà thơ Amanda Gorman viết: "Chúng ta đã thấy một thế lực có thể làm tan rã quốc gia của chúng ta thay vì chia sẻ nó, có thể phá hủy đất nước của chúng ta nếu điều đó đồng nghĩa với việc trì hoãn dân chủ. Mặc dù dân chủ có thể bị trì hoãn theo định kỳ, nhưng nó không bao giờ có thể bị đánh bại vĩnh viễn". Và nhà thơ viết: "Nếu chúng ta kết hợp tình yêu thương với sức mạnh và sức mạnh với lẽ phải, thì tình yêu sẽ trở thành di sản của chúng ta, và sự đổi thay trở thành quyền bẩm sinh của con cháu chúng ta".

Với nhà thơ Amanda Gorman, di sản lớn nhất mà mỗi thế hệ người Mỹ để lại cho các thế hệ sau của mình là tình yêu thương và sức mạnh của giấc mơ cùng lòng can đảm để hành động cho giấc mơ đó. Nhà thơ cũng cảnh báo cho nước Mỹ, một cường quốc về kinh tế và quân sự về một tương lai bất trắc và tồi tệ nếu nước Mỹ dời bỏ quyền làm người thiêng liêng của mọi số phận.

Chúng ta rời bỏ thi ca chân chính khi chúng ta rời bỏ lương tri. Chúng ta phản bội lại thơ ca chân chính khi chúng chìm vào nỗi sợ hãi, chìm vào sự ích kỷ đầy rác rưởi và chìm vào những cơ hội hèn hạ và tăm tối của chúng ta.

Nguyễn Quang Thiều

(Trong bức thư này có sử dụng một số đoạn dịch của dịch giả Trần Ngọc Cư)

 

Bạn đọc có thể đặt mua sách tại:

Phòng Phát hành Nxb HNV - 65 Nguyễn Du, Hai Bà Trưng, Hà Nội Tell: 098 3413042 / 083 4786567 / 096 4161520

 

Link đăng ký mua: https://forms.gle/dA23ezTmbEFsVXbQ9