Tìm lại dấu xưa
- Danh mục: Văn xuôi
- ISBN: 9786043479713
Tác giả:
- Khuôn khổ: 14.5 x 20.5 cm
- Số trang: 276
- Năm xuất bản: 2022
- Loại bìa: Bìa mềm
Vì sao tôi viết về vùng đất Sơn Tây ?
Tôi đến Thị xã Sơn Tây vào năm 1962, khi kì nghỉ hè, đi theo một số người ở quê (huyện Hoài Đức) lên làm đường ở doanh trại quân đội trong Cổ Đông, Sơn Đông. Lúc đó, chỉ thoáng qua thị xã. Năm 1970 tôi công tác ở trường Thương nghiệp (xã Đông Viên, huyện Ba Vì) có qua Sơn Tây nhiều lần, ấn tượng vẫn chỉ là một thị xã yên bình. Gợi nhớ những câu thơ “Tỉnh nhỏ đìu hiu/ Nắng ngủ giữa chiều/ Gió trở mình trên mái rạ”, “Tỉnh nhỏ/ Cô em/ Nằm xem kiếm hiệp”… Đặc trưng của thị xã trung du.
Từ 1978 tôi ở hẳn trong phố xá Thị xã, cứ những dịp đi công tác xa một thời gian, trở về mới thấy Thị xã thân thương, hiền dịu, mát mắt, ấm lòng. Từ khi dạy trường phổ thông THPT ở Thị xã, giao lưu bè bạn, càng muốn tìm hiểu kĩ về vùng đất này.
Lại một lẽ nữa, khi đọc một bài báo - tác giả là một người làm thơ, đạo diễn điện ảnh - viết rằng: “Đi vòng đi vo gì thì tôi cũng trở lại khu thành cổ Sơn Tây như một hòn đảo giữa hào nước. Tôi hỏi nhiều người đi bộ, người đi xe đạp, người lượn xe máy, rằng: “Thành cổ Sơn Tây có từ thời nào?” Người thì bảo: “Xưa lắm”. Người thì bảo: “Từ thủơ ông sơ đã có rồi”. Người thì bảo: “Thành này do tướng cờ đen Lưu Vĩnh Phúc lập nên”. Tức là chẳng ai đưa ra được con số chính xác” (Lưu Trọng Văn, bài “Thị xã Sơn Tây và người thầy của tôi”, báo Kiến thức Gia đình, số 135, ngày 28.11.1999). Nếu là người Thị xã gốc chắc phải rầu lòng! Chẳng hiểu quê hương, bản thổ của mình thì làm sao mà yêu sâu nặng được?
Những tài liệu văn bản ghi chép về từng địa danh các phố phường thị xã, mô tả sinh hoạt cư dân lại ít làm sao. Người Việt mình có truyền thống thi ca, còn tự sự văn xuôi thì rất mỏng. Một tên phố, tên ngõ của thị xã cần tìm hiểu lai lịch, điều ấy không giản đơn. Còn cắt nghĩa được minh xác càng khó hơn nhiều.
Khi nói ý tưởng viết về những mảng lịch sử địa - xã hội này, nhiều người động viên khích lệ. Nên miệt mài tìm kiếm ở thư tịch, nhân chứng. Mà nhân chứng thì càng ngày càng ít đi, nếu không kịp gặp gỡ, hỏi rõ ngọn ngành thì càng khó khăn. Các nguồn tư liệu có thể nằm ở thư viện tỉnh Hà Tây (cũ) bởi khi nhập Sơn Tây, Hà Đông (1965), các tư liệu thư viện ở Sơn Tây đã chuyển về tỉnh lỵ là thị xã Hà Đông; giờ đây lại về Hà Nội, thì những tư liệu ấy có còn không? Đành phải đi gặp những cá nhân, gia đình có thể lưu giữ các giấy tờ như giấy khai sinh, hôn thú, nhà đất, gia phả,… may ra mới có thông tin về các địa danh sử dụng chính thức cho từng giai đoạn. Một công việc hết sức “thủ công” nhưng lại đắc dụng!
Một ý định giới thiệu hay ít nhất có một vài thông tin về những người nổi tiếng ở mọi lĩnh vực. Không chỉ là quan chức, nhà khoa bảng, văn nghệ sĩ; mà còn là các doanh nhân, nghệ nhân, nhà tôn giáo… Điều ấy khó biết bao, khi mà “thói tật” không ghi chép lại của người Việt, và quan hệ hơn là ở sự phân biệt giai tầng, đề cao “Kẻ Sĩ” (nhất sĩ nhì nông). Người công – thương, không được kể đến, biến họ thành số không, thậm chí là dấu trừ!
Mà viết gì cho khỏi lặp lại, điều người khác đã viết. Chọn nội dung với một cách tiếp cận vừa mới, vừa khoa học, có tính tổng hợp lại có phát hiện, quả là không dễ dàng. Cuốn sách nhỏ này là tập hợp những ghi chép khi tra cứu, du khảo. Những điều tìm biết ở đây muốn được chia sẻ, có thể là những chỉ dẫn cho những người thích tìm về quá khứ của mảnh đất, gần là Thị xã Sơn Tây, xa là cả Xứ Đoài. Như thế đã là một việc làm hữu ích.
Tiến sỹ Trần Thu Dung (Đại học Paris 7) đã khảo sát việc đặt tên những đường phố ở Cộng hòa Pháp bằng tên nhân vật, địa danh Việt Nam. Trong hơn 200 đường phố, thì Sơn Tây được đặt tên cho 5 đường phố. Đó là: “Phố Sơn Tây” (Rue de Sontay), 22800 Bordeaux (một xã ở tây nam Pháp, thủ phủ tỉnh Aquitaine); “Phố Sơn Tây” (Rue Sontay), 69100 Villeurbanne, huyện Rhône tỉnh Rône – Alper; “Phố Sơn Tây” (Rue de Sontay), 75115 quận 15 Paris; “Phố Sơn Tây” (Rue de Sontay), 13100 Aix – en – Provence (cố đô của tỉnh Provence); “Phố Sơn Tây” (Rue Sontay), 3200 Auch (thủ phủ của Gers, quận thuộc tỉnh Midi – Pyrénées (Dấu ấn Việt Nam qua tên những con đường ở Pháp, sách song ngữ, Nxb VHTT – Trung tâm VHNN Đông Tây, 2014).
Thôi cứ “nhẩn nha”, “chậm rãi” trong cái bộn bề công việc, rồi cũng sẽ đến “kinh thành La Mã”.
Trong sách là tập hợp các bài viết đã đăng báo, tạp chí; khi là các bài trao đổi, khi là phát hiện, khi điền dã… Có những địa danh, nhân vật có thể ở một vùng quê khác, nhưng do cùng “tạng” bàn luận nên cũng đưa vào (như “Đất phong vương của Ninh Hưng Vương Trần Tung…”, địa danh ở Hà Nam…). Vùng quê Hoài Đức vừa là thuộc Xứ Đoài, vừa là quê hương (nguyên quán) nên không thể không nhắc (Tứ danh hương Mỗ La Canh Cót, Đan Hoài, Lưu Xá, Lý Bí…)
Những “danh nhân” được nhắc đến là những người còn ít biết, hay có tiếng nhưng “xa lạ” (Mộng Liên Đường chủ nhân, Thân mẫu Tản Đà, Dương Nhàn Khanh, Doãn Thiện Kế, Lê Thanh, Chu Tử,…). Do giới hạn của tư liệu, nên giới thiệu phần nào thân thế và sự nghiệp thơ văn của tác giả còn chưa đầy đủ.
Phần ĐỊA DANH, do mỗi thời kỳ có sự thay đổi, tách nhập các đơn vị hành chính, nên phải lấy một bản “nền” để kê biên. Ghi chú tên bằng chữ Hán để tránh những giải thích có thể sai lạc (do đồng âm khác nghĩa), và đối chiếu khi có sự khác nhau. Những địa danh có gọi tên Nôm là chú theo một số sách, có thể thực tế dân gian gọi khác (“Trôi – Chôi”, “Sẩu – Sấu”,…)
Những bài viết hay kê biên chỉ là gợi mở với những người quan tâm đến vấn đề danh nhân, địa danh vùng miền; từ đó mà có những trao đổi nhằm tới sự sát đúng. Cuốn sách là dịp bày trải những nghĩ suy, tình cảm về một vùng quê mang nhiều kỷ niệm, dấu ấn - Thị xã Sơn Tây tỉnh Đoài .
Mong sẽ bổ ích và lý thú khi cùng nghĩ suy về nội dung cuốn sách!
Đỗ Tiến Bảng