Một giấc hồ điệp
- Danh mục: Văn xuôi
Tác giả:
- Khuôn khổ: 13 x 19 cm
- Loại bìa: Bìa mềm
NHƯ “MỘT GIẤC HỒ ĐIỆP”
(Đọc Một giấc hồ điệp- Tập truyện ngắn của Lê Trâm- NXB Hội Nhà văn -2007)
Ngày xưa có chuyện Trang Chu nằm mơ hóa bướm, tỉnh dậy tự hỏi rằng mình hóa bướm hay bướm hóa mình? Sau này người trong thiên hạ hay nói sống ở đời hư, thực khó phân. Những ai từng đọc “Nam hoa kinh” có thể “cảm” được đây là chủ ý của Trang Tử ở chương “Tề vật luận”, luận về lẽ ngang bằng giữa các sự vật, khuyên mọi người đừng phân biệt cái tôi (le moi) và cái tự nhiên (la nature) vì nếu không có cái tôi thì không có cái tự nhiên và ngược lại. Sự sống là khởi đầu của sự chết và sự chết là nối dài sự sống, sống chết không khác gì nhau...
Lê Trâm chọn nhan đề “Một giấc hồ điệp” - tên một truyện ngắn trong tập để đặt tên cho tập truyện mới nhất của mình (Một giấc hồ điệp - Tập truyện - NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2007) hẳn là có chủ ý, rằng dường như trong cuộc đời biến ảo, mọi sự, mộng và thực, chân và giả cứ đan xen nhau, rằng “càng yêu thương lắm, càng đau đớn nhiều” nhưng dù sao con người vẫn cứ phải sống, phải hi vọng vào lòng tốt vì suy cho cùng đó là lý do để sống.
Tác giả đã dẫn dắt người đọc đến với thế giới của cái Đẹp mang nhiều nét bi tráng. Đó là những nhân vật nữ với hành trạng lạ lùng, vừa thông minh vừa đa cảm, vừa có thật mà cũng rất liêu trai như cô bé Tiếu và mẹ cô (Lên núi chăn dê) mang vẻ đẹp đầy tự trọng của tình yêu trong sáng, tận hiến, vô nhiễm và đầy “thiên tính nữ” (chữ dùng của nhà phê bình Hoàng Ngọc Hiến). Đó là Ngọc, người con gái có số phận chìm nổi, bèo bọt vì mối thù hận truyền kiếp của cái Ác, sự lợi dụng huyền tích đẹp đẽ của làng Tứ Đại về “bến con gái” để làm chuyện đồi bại (Bến đời lao xao). Họ là những Hoàng (Khoảng cách), Dung, Ngân (Dòng sông chảy quanh) trẻ trung, xông xáo trong mọi lĩnh vực của đời sống công nghiệp, của lối sống đô thị - những nhân vật vừa thực tế, vừa mơ mộng, đẹp như một mối âu lo về những tâm hồn đa cảm mà đơn độc... Những nhân vật nữ trong cả tập truyện đều có niềm tin hằng cửu vào tình yêu, vào lòng tốt dù đôi khi họ buộc phải chao chát, đanh đá, thẳng thừng và dù cay đắng nhưng khôn nguôi hi vọng về một “tình yêu tìm thấy” ở ngày mai.
Phía khác, những người đàn ông trong tập truyện là những nhân vật của “ngổn ngang ký ức và thời gian” với bao hoài niệm đẹp đẽ về thời thơ ấu, thời sách vở giảng đường, những năm tháng đời sống chật vật khó khăn nhưng thấm đẫm tình người, những mối tình câm thơ dại - những “cơ chế tình cảm” để con người trở nên lương thiện, có “những giấc mơ ngày” đầy linh diệu, thấy cuộc đời ấm áp biết bao. Đó là Dưỡng đầy cá tính, trung thực, tài hoa, lịch lãm, sống và chết như một giấc mơ đời hư ảo khiến đám hậu sinh mãi ngơ ngẩn đi tìm một giống loài hiếm hoi bên bờ tuyệt chủng. Là ông Bừng mang hồn cốt quê kiểng thơm như giấc mộng đầu luôn cố trì níu những đứa con trong cơn lốc của thời đại mới, không lấp đầy “khoảng cách thế hệ”. Là Hân - hiệp sĩ xông vào hang hùm cứu người đẹp nhưng rồi liệu có như chàng Don Quichotte thời Trung cổ đánh với cối xay gió ở trời Tây. Là nhiều, rất nhiều những nhân vật xưng tôi, khi thì là thằng con trai quê mùa hỏng thi không về quê đi cày thì “lên núi chăn dê” lúc nào cũng đau đáu phân thân giữa thực tại và tương lai, nội giới và ngoại cảnh, trẻ con và người lớn... khi thì là thằng tôi thất bại vừa thương yêu, chia sẻ với cộng đồng, vừa sống với huyền tích đầy ám ảnh của làng xóm vừa nổi điên “bước qua lời nguyền” để vượt thoát khỏi nỗi ám muội truyền kiếp sau luỹ tre kia... Là những nhân vật, không cứ nam hay nữ, hễ cứ cuối đường là những thân phận dở dang nhưng đầy ám ảnh với mộng, thực mờ nhoà. Dường những nhân vật của cái Ác chỉ dừng ở những nhân vật nam, là lão Đô (Bến đời lao xao) ác hơn cả quỷ, vừa ác vừa tinh ranh đã hại mẹ con Ngọc, là Tuấn con lão, kẻ đồng thuận với cái ác, cái ngu muội, là lão tổng giám đốc Lễ tham lam, dâm dật đã chạy sang thế giới bên kia cũng không thoát khỏi ngục A Tỳ, là nỗi ám ảnh phi lý về những thế lực siêu nhiên do con người đặt định (Vĩ thanh một truyện ngắn).
Trong số tác giả văn xuôi Đất Quảng, Lê Trâm là người “thâm canh” ở thể tài truyện ngắn, vì vậy anh là người thao thức tìm cách đổi mới cách viết. Ở tập truyện “Một giấc hồ điệp” anh cố thoát khỏi tình trạng chung của cộng đồng đọc “ưa thích truyện kể” (récit) với những cốt truyện éo le, gay cấn bằng cách lúc thì kết cấu truyện kiểu “đồng hiện” của điện ảnh, tìm cách phá vỡ tính tuyến tính (trình tự thời gian) dựng dậy những không gian cho nhân vật tự biểu hiện (Chúc ban mai tốt lành) thế nhưng quán tính vẫn làm tác giả khó “nổ tung văn bản”. Ở truyện “Chúc ban mai tốt lành” có ba độc thoại, ba chân dung nhưng dường vẫn một cái nhìn toàn tri khiến cho truyện lộ vệt kết nối có tính luận đề. Ở truyện “Dị bản chuyện người đi tìm sông Hằng” là biến tấu trên cùng chủ đề nhưng vệt nối giữa mộng và thực vẫn chưa đủ độ mờ nhoè. Truyện “Một giấc hồ điệp” là kết cấu truyện của truyện, đan xen thực tại và hồi ức nhưng vẫn thiếu tính đột biến của tình huống. Đọc Lê Trâm vẫn thấy thế mạnh của anh ở kết cấu “tự truyện” - kiểu tự sự bằng cái tôi trần trụi và mơ mộng, bày biện đến cùng những trạng huống nhân thế “không đâu vào đâu”. Với kiểu kết cấu này anh đạt được độ tin cậy cao, có được “những kết cấu mời gọi” sự đồng sáng tạo của người đọc bởi tính bất định của văn bản, ở đó có những số phận chẳng biết trôi dạt về đâu, một cơn hoan lạc bị đột ngột đình chỉ, nhiều những nhân vật đi trong “ánh mắt trông theo” của người đọc. Được như thế phần nào cũng tỏ rõ dấu hiệu tác giả đang tìm cách hội nhập với dòng chung của truyện ngắn hôm nay.
PHÙNG TẤN ĐÔNG