* Người đọc biết đến anh qua các tập thơ: “Khói tỏa về trời” (1994), “Bên ngoài cánh đồng” (2003), “Nắng trên đồi” (2011). Tập thơ “Bên cửa sổ” này là tập thơ thứ tư của anh, xuất bản sau mười năm “im lặng”. Ấn tượng đầu tiên thi sĩ Nguyễn Nho Khiêm gợi cho độc giả là cách đặt nhan đề. Từ cửa sổ bên ly cafe mỗi sáng, người thơ ấy lặng thầm quan sát mọi biến chuyển thời gian, cuộc đời, để rồi suy nghiệm về quy luật chảy trôi, biến hóa của vạn vật xung quanh. Thơ đối với với anh nhẹ nhàng như một trò chơi và chất nghệ sĩ đã chảy từ lâu trong huyết quản của người con thuộc dòng họ Nguyễn Nho ở thôn Bồng Lai, phường Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Mỗi sự việc đi qua tầm ngắm của anh đều gợi tứ để cất lên những vần thơ cuốn hút lòng người. Đó có thể là một cây gòn đứng cô đơn bên dòng sông, bầy chim trên bán đảo Sơn Trà, một loài hoa ưu đàm mộc mạc hay họa mi “đóa tròn thơm nắng”, một tấm ảnh ngày cũ; cả những ngày mưa ngày nắng, những cung đường in dấu chân qua… đều được ghi lại bằng con chữ đằm thắm, dịu nhẹ nhưng lắng sâu và giàu sức lan tỏa: “Đọc bên ngoài nắng mưa con chữ/ Viết xé lòng như thật, như chơi” (Gặp bạn văn)…
NGUYỄN THỊ THU THỦY
* Tôi chọn đọc “Bên Cửa Sổ” bởi tên tập thơ mang lại cho tôi một kỳ vọng đẹp, đơn giản nó gợi đến trong tôi hình ảnh của một khuôn cửa lộng gió, bên kia khuôn cửa là mảng trời trong biêng biếc, là tiếng lá tiếng chim tiếng thiên nhiên rộn ràng mời gọi. Và con người khi nhận được tín hiệu của lời mời gọi ấy sẽ vì niềm yêu mến sâu sắc với thế giới ngoài khuôn cửa mà cảm xúc thăng hoa, say sưa như thể đã hòa vào thế giới ấy nhưng đồng thời vẫn không đánh mất cái riêng tư thâm trầm mang đặc trưng bản thể con người.
LỆ HẰNG
Bên cửa sổ, “một tôi ngồi đợi chữ gọi thơ”. Nguyễn Nho Khiêm đến với thơ như thế, giản dị và thao thiết. Vị trí này đủ để anh cảm nhận được cái tĩnh, lắng, vọng, vang của cõi lòng. Vị trí này đủ để anh lặn sâu vào kí ức, hoài niệm, tạo nên chất - lửa - thơ. Và đủ để anh phiêu bồng trong chính bản thể của mình, xem bản thể như là một sân chơi thấu thị: “nhìn tôi và thấy như là bóng tôi”. Anh gọi ánh sáng về để khởi thủy một thế giới khác, thế giới trong lồng ngực, thế giới của mùa đi qua trong tiếng chim, và kể cả hiện thực, trong cái nhìn của anh, cũng mênh mang như một giấc mơ dài. Trong hành trình bất tận của thời gian, anh vừa là người lưu giữ ấm áp thời gian: “Thời gian chạy về phía trước/ Để lại những vẻ đẹp trên đường”, “Mưa từ thu trước mưa qua thu này”; vừa là người sắc lạnh, “đang nhấm điều gì nhoi nhói phía ngoài kia”, “vứt lại trên đường ngả nghiêng mặt nạ”.
HOÀNG THỤY ANH