cart.general.title

Đừng kể công cho Mẹ

68,000₫
  • Danh mục: Thơ
  • ISBN: 9786043334036
  • Tác giả:

  • Khuôn khổ: 12x17 cm
  • Số trang: 98
  • Năm xuất bản: 2022
  • Loại bìa: Bìa mềm
Số lượng

CHẢY GIỮA ĐÔI BỜ THƯƠNG – ĐAU

 

Tôi chọn 33 bài thơ cho một tập thơ viết về mẹ. Những bài thơ mới và cả những bài thơ cũ. Mới hay cũ không quan trọng, chỉ biết đấy là thơ của tôi viết về mẹ. Thơ của một thằng con trai viết về mẹ mình. Tôi biết, đấy là những bài thơ tôi yêu bởi một lý do rất giản dị, đó là tình cảm chân thực của mình đối với mẹ.

Tôi chọn 33 bài. Con số 33 nói lên điều gì? Nó có liên quan tới tâm linh không? Thưa các bạn, không liên quan gì cả. Chỉ vì thế này thôi, mẹ tôi sinh năm 1935. Ba tôi lúc còn sống, có lần bảo: “Ba và mẹ cùng tuổi Hợi với nhau, sinh năm 1935”. Mẹ tôi chào đời vào năm đó, nhưng cuộc đời thật ngắn ngủi. Mùa hạ năm 1968…Chiều. Mẹ đi chợ. Sẩm tối, máy bay Mỹ ném bom bi vào làng. Mẹ tôi bị thương khi còn cách ngõ nhà mình chừng trăm mét. Và, đến rạng sáng ngày mai, mẹ trút hơi thở cuối cùng. Năm anh em chúng tôi mồ côi mẹ từ đó. Lúc ấy, tôi mười hai. Bốn đứa em tôi còn bé hơn. Cái chết của mẹ còn ám ảnh tôi đến bây giờ. Trong bài thơ Ký ức mẹ, tôi viết: Một đêm chiến tranh/ nhì nhằng ánh chớp/ mẹ không đi hết/ con đường vào ngõ nhà mình…Tôi nhận ra bộ mặt chiến tranh tàn bạo, vô cùng tàn bạo có lẽ bắt đầu từ cái chết thảm thương của mẹ. Cũng từ đó, hình ảnh mẹ cứ trở đi trở lại nhiều lần trong không ít bài thơ, trường ca của tôi. Những thi phẩm viết về mẹ của tôi đã được giới thiệu trong các tập thơ đã xuất bản. Nhưng, tôi muốn có một tập thơ riêng về mẹ của mình, không dày dặn về số trang mà chỉ 33 bài thôi. Con số ấy ứng với 33 năm mẹ tôi sống trên đời. Tần tảo. Chắt chiu. Hiền lành. Nhẫn nhịn. Sống hết lòng cho chồng, cho con. Lớn hơn cả bổn phận. Lớn hơn cả tầm vóc. Lớn hơn cả thời gian. Lớn hơn cả cái chết. Gói lại trong hai tiếng “Yêu thương”. Yêu thương, yêu thương và yêu thương. Đấy là mẹ. Mẹ của chúng tôi. Đấy là sự thật về mẹ mà tôi còn mang nặng trong lòng. Dòng thời gian cứ chảy, trải qua nhiều biến cố, bước ngoặt trong cuộc đời, vui buồn, vinh nhục nếm đủ, mẹ vẫn chưa hề nguôi ngoai trong tôi, nửa hạnh phúc, nửa đau thương lâu bền và đậm nét. Cứ nghĩ, mẹ vẫn đang sống cùng tôi trong một thế giới thực ảo hòa đồng, xa xôi mà gần gũi vô cùng. Và, những bài thơ về mẹ của tôi ra đời từ tâm cảm đó, như một dòng chảy chầm chậm giữa đôi bờ Thương - Đau được bồi đắp từ thân phận con người. Tôi lưu giữ hạnh phúc khi còn mẹ. Tôi găm nén đau khổ khi mẹ mất. Mẹ vẫn hằng linh hiển trong tôi như một Thánh nhân bình dị. Khi khổ đau, thất vọng tôi gọi mẹ. Và dưới vành nón lá đã sổ vành, có đôi mắt nhân từ nhìn tôi, tràn đầy yêu dấu và an ủi. “Cố lên con!”. Lời mẹ. Mãi mãi là như thế, mẹ ạ!

Tôi không quên những đồng xu của mẹ cho mình thời thơ ấu. Đồng 5 xu lấp lánh ánh ngày ấy bị tôi vô tình đánh mất. Năm năm, mười năm, hai mươi năm…và có lẽ trọn cuộc đời tôi còn đi tìm đồng xu bé nhỏ đó…Nhớ góc làng xưa rợp bóng tre xanh / một mái rạ bùi ngùi mưa nắng / đời mẹ khổ chỉ hai bàn tay trắng / lượm từng bông lúa ngấm mặt trời! / Áo mẹ mặc che hướng nào cũng bão / vẫn để cho con yên ả một góc đời / chiu chắt lắm từng trang sách bát gạo / mẹ gom cho con từng chữ, từng lời…/ Cái đồng xu nhỏ bé bị đánh rơi / chưa kịp nói một lời an ủi mẹ / cái đồng xu vô tình như đứa trẻ / ham cỏ hoa quên cả lối về / Cái đồng xu nhỏ bé bị đất vùi / bao thập kỷ vẫn còn nằm đâu đó / để cho con dẫu không còn bé nhỏ /cứ lẩn thẩn đi tìm nhỏ bé một đồng xu (Đi tìm đồng xu nhỏ bé).

Mặc nhiên, mẹ vẫn sống cùng tôi trong rất nhiều kỷ niệm. Hay diễn đạt cách khác là tôi đã “chống” lại thời gian để còn đây những sum vầy ruột thịt. Này bà, này ba, này mẹ, này các em và tôi xúm xít bên nhau trong cảnh thanh bình khi chiến tranh chưa đụng đến. Tôi từng có giấc mơ hạnh phúc sáng đẹp như thế này: Tôi đi qua đêm bằng giấc ngủ / có tiếng tuổi thơ nô đùa dưới trăng / óng ánh bầy con nít. / Giấc ngủ làm tôi trẻ lại năm mươi năm / bà tôi, bố tôi, mẹ tôi, các em tôi đông đủ / Bà nhai trầu bỏm bẻm / bên chiếc bình vôi cười trắng xóa / bố ngồi vẽ thuyền / bên cánh buồm lim dim gió  / mẹ hát ru / bên những đứa trẻ vừa thức vừa ngủ…(Giấc ngủ). Và, có lẽ tôi đã phần nào thành công trong việc phục sinh quá khứ. Một quá khứ đáng mơ ước, đáng trân trọng, đáng gìn giữ mang tên hòa bình. Thơ đã giúp tôi làm được điều đó, ngôn ngữ mẹ đẻ đã giúp tôi làm được điều đó, chẳng nhẽ ta không hàm ơn sao. Tôi thích sống trong một thế giới biết ơn. Khi biết ơn là ta đã biết khiêm nhường, biết cách phong tỏa những kiêu lộng để sống bình tĩnh và tử tế. Xin được thực lòng thổ lộ điều đó.

          Tôi dùng thi ca để khẳng định giá trị mẹ một cách giản dị và chân thực. Bởi, đó là những gì có trong mẹ; chả cần đánh bóng tô hồng khuếch khoác gì cả. Mẹ được soi chiếu qua cuộc đời tôi, từ những thăng hoa và bầm dập không kể xiết. Cái tình mẫu tử đích thực đủ sức tỏa sáng vào mỗi hoài niệm, ngẫm suy của người cầm bút trên tinh thần nhân văn của nhân loại bao la: Là mẹ đấy, bao lần con rong ruổi  / vui xứ người quên đom đóm bay ra / mẹ im lặng bậc thềm mòn ngồi đợi / những bước chân lẫm chẫm thuở dưa cà.../ Là mẹ đấy, chẳng hùng hồn diễn thuyết / túi ba gang đựng cau chát, trầu cay / ru bát ngát bằng nhấp nhô tiếng Việt / bát ngát ngủ rồi mẹ buộc gió vào cây. / Là mẹ đấy, người đầu tiên nhức nhối / khi chúng con lỡ mắc phải lỗi lầm / nước mắt ướt vạt chiều mẹ gọi / con lại về dụi mắt khói hoàng hôn. / Hạnh phúc ư, là lòng ta đầy mẹ / trong cuộc đời vốn dĩ đã héo, tươi  / hạnh phúc ư, là sau bao dâu bể / giữa quê nhà con cất tiếng Mẹ ơi ! (Con nghĩ về mẹ)…

          Cũng với hạnh phúc “có mẹ” là nỗi đau “mất mẹ” không gì bù đắp được. Cuộc đời, không có bất hạnh nào lớn hơn khi không còn mẹ. Tôi không hiểu nổi tại sao có những đứa con xa lánh, hắt hủi mẹ mình. Nỗi đau mồ côi mẹ trong thơ tôi là rất thật; nó như nỗi quặn thắt dai dẳng trong tôi. Và buồn. Nỗi buồn chiến tranh như tên một tiểu thuyết rất hay của nhà văn Bảo Ninh nổi tiếng. Dưới bầu trời lóa nắng, tôi đã về quê thắp hương cho mẹ. Cát trắng. Gió Lào thổi ràn rạt quanh mình. Mộ mẹ tôi lúc ấy chỉ là một nấm cát là là có những búi cỏ úa vàng bởi cái nắng dữ dội ở Quảng Bình. Cái buồn ở với mồ côi / ai che lối gió, ai bồi nẻo mưa / ba mươi năm bấy nhiêu mùa / giờ nghe cát cháy quặn trưa gió lào / Cuộc đời ngắn ngủi làm sao / bom rơi, cát đỏ, máu trào, mẹ ơi! / xót xa thay một kiếp người / tóc còn xanh đã xuống lời trối trăng! / Buồn đau con vẫn còn mang / cỏ chưa xanh hết đã vàng tháng ba / đội trời ngồi với mẹ ta / thương xưa áo vá, khoai cà Ô Châu / Cúi đầu thắp mấy nén đau

ngậm ngùi thấm cõi dày sâu mấy tầng / chiều sang, bóng ngã âm thầm / trắng hời gió cát dấu chân mẹ về…(Thắp hương mộ mẹ). Thế đấy, mất mẹ ta sẽ thấm thía nỗi cô đơn, bơ vơ giữa cõi đời này. Không có gì lấp đầy khoảng trống ấy. Đây là một vết cắt xa xót của cuộc đời tôi: Đêm nằm gặp mạ trong mơ / sáng ra thấy cát bơ vơ dưới trời / Giọt mưa về nẻo mồ côi / nửa sa mộ mạ, nửa tôi ngậm ngùi…(Ngậm ngùi).

          Cuối cùng, tôi muốn nói điều này. Những đứa con đừng bao giờ kể công cho mẹ. Công lao của mẹ kể làm sao cho xiết, kể công cho mẹ bằng thừa. Và, tôi sẽ lấy tên bài thơ Đừng kể công cho mẹ đặt cho tập thơ này. Với mẹ, không gì đúng hơn là ta phải xóa bỏ hận thù, lấy nhân hậu đắp bù mồ côi. Đó là lẽ sống của mẹ cũng là của ta, giản dị như thế thôi: Mẹ ơi, đâu chỉ bạc tiền / nhà cao cửa rộng làm nên con người / câu thơ con góp cho đời / có tình thương ở trong lời mẹ ru. / Mẹ ơi, con xóa hận thù / thêm nhân hậu để đắp bù mồ côi / mẹ về... mắt ướt nét cười  / con như đứa trẻ lên mười níu chân...(Mẹ ơi!)

 

                                                             Ngày 9 tháng 5 năm 2021

Nguyễn Hữu Quý

Đánh giá sản phẩm

Dựa trên 0 đánh giá
Đánh giá 0