cart.general.title

“Vết dầu khô nổi giận” - Nguyễn Đình Tú: Phận đời nghiệt ngã của một tâm hồn chính trực

Trong Chuyên đề mùa Thu của Viết&Đọc năm nay, chuyên mục “Văn xuôi - Tác phẩm mới” có tổng cộng 4 tác phẩm. Mỗi tác phẩm là một màu sắc riêng. Đến với “Kẻ mai danh ẩn tích” của Phạm Quang Đẩu, người đọc được chứng kiến cả quãng đời của một kẻ hèn nhát đào ngũ. Bất chấp tìm con đường sống - hắn đã chui lủi, sống vô trách nhiệm với vợ con, chấp nhận nhục nhã, mượn danh tính đồng đội đã chết như ốc mượn hồn để nương náu. Qua “Lễ cải táng” do Phan Huyền Thư viết, ta tham gia vào không khí u uất của một lễ cải táng tinh thần cho cả một gia đình 3 thế hệ, cho dù là đã chết hay còn sống - “Một nghi lễ chết lần thứ hai, cái chết lần chót cho một phận người”. Cuối cùng, vào khoảnh khắc bước chân vào thế giới truyện ngắn “Vết dầu khô nổi giận” được chắp bút bởi Nguyễn Đình Tú, chuỗi bi kịch của một chàng trai trẻ đã khiến bất cứ ai đọc cũng day dứt không thôi - như thế nào mới là chính nghĩa thực sự?

“Luật pháp là do con người làm ra để bảo vệ con người mà.”

“Con người biết nổi giận. Còn luật pháp lại không chấp nhận sự nổi giận.”

 

Mở đầu câu chuyện, ta gặp Vĩnh - một người đàn ông 47 tuổi, từ một vị trưởng ban không quá nổi bật cũng không quá mờ nhoà, được điều về làm giám đốc ở Hải Niệm với hi vọng cứu vớt cái doanh nghiệp đóng tàu đang đứng trên bờ vực của thua lỗ và phá sản. Ban giám đốc ngoài Vĩnh còn có 4 người khác, nhưng khi họp bàn qua những bữa ăn thường vô cùng qua loa và rời đi sớm. Chỉ có ông Tình, phó giám đốc phụ trách kế hoạch, là chịu ngồi lại với Vĩnh đến cùng. Mọi thứ bắt đầu từ vết dầu rớt lại trên ngực áo bảo hộ của Vĩnh, thứ khiến ông Tình có cảm giác gần gũi với Vĩnh hơn, và rồi bí mật động trời về người con trai đầu của ông - Nghĩa - dần dần được hé lộ.

 

Năm Nghĩa lớp 12, vào một buổi sáng bình thường, nó ra khỏi nhà đi học, và trưa hôm đó không về. Nó đến dự sinh nhật một đứa bạn cùng lớp, tới đầu giờ chiều người ta phát hiện nó ra tay sát hại hai người bạn thân của mình. Đó là vụ án hình sự kinh hoàng nhất trong mắt người sống ở huyện Hải Niệm, “nhưng nhức nhối và đau đớn nhất vẫn là người làm cha như ông Tình. Nghe đâu, sau chuyện ấy, vợ ông Tình đã kiệt sức mà chết vì không chịu nổi sự chửi rủa của người đời.” Vĩnh đã có lúc tò mò về chuyện ấy, nhưng chẳng có một lần hỏi được ông Tình.

 

Lý do gì khiến cho một đứa bé chưa đầy mười tám tuổi, mang một trái tim ngay thẳng, chính trực ấy lại nhẫn tâm với chính người bạn của mình? Nghĩa bình tĩnh bảo bạn bè báo công an đến, nhưng từ chối không cho toà biết động cơ, cũng nhất định không bộc bạch ngay cả với ông Tình dù từ nhỏ nó đã luôn yêu thương bố. Ngày gây án, nó vẫn còn mặc trên người chiếc áo bảo hộ cũ của bố, có dính vết dầu đã khô ngay trên mép túi - giống hệt hình ảnh ông Tình đã thấy ở Vĩnh trong cuộc gặp hôm nào. Nghĩa bị tuyên án mười lăm năm tù.

 

Hẳn người đọc đi đến đây sẽ cảm thấy thắc mắc, có phải hành động của Nghĩa là bộc phát không? Nếu có, tại sao nó lại làm vậy, và tại sao sau tất cả mọi thứ, nó lại bình tĩnh đến thế? Vĩnh cũng mang tâm trạng tương tự, nên đã đề nghị cùng ông Tình qua thăm nó ở trại giam. Nhưng Vĩnh đã bị cuốn vào guồng xoay công việc, bận bịu tới mức quên mất lời nói ngày nào. Và rồi một cuộc gặp gỡ định mệnh đã xảy ra khi Vĩnh ra sông bơi vào một buổi chiều nọ, và gặp được Nghĩa ở bãi Đá Đen. Thời gian chấp hành án của Nghĩa đã hết, và giờ, cuối cùng nó cũng đã có thể diễn đạt được nỗi niềm năm nào. Hai bạn thân cũ của nó, một thằng con ông giám đốc và một thằng con ông bí thư, đã không ngần ngại chà đạp lên lòng tự tôn của nó theo nghĩa đen. Chúng đem cái áo nó vẫn hằng trân trọng ném xuống sàn, di qua di lại như chiếc giẻ lau nhà. Nghĩa đã không chịu được nữa. Và căn nguyên cho tình bạn đẫm máu ấy cuối cùng cũng đã sáng tỏ.

 

Tính của nhân vật Nghĩa là vậy: chính nghĩa tới cực đoan. Nó biết đúng sai, biết rõ hậu quả, nhưng rốt cuộc vẫn đâm đầu làm. Sau khi ra tù, Nghĩa tiếp tục vướng vào rắc rối. Nó không chịu luồn cúi ai, và luôn đáp trả bất công bằng bạo lực. Nghĩa như đi trên sợi dây mỏng vắt ngang bờ vực đạo đức, và nó đã rơi một lần rồi hai lần nữa. Vĩnh đã vớt nó lên, bao dung nó, nhưng có lẽ chính Vĩnh cũng hiểu, “Nó luôn muốn được tôn trọng. Mà đời lại quá nhiều ánh nhìn đểu. Khổ thân nó, cứ liên tục phải nổi giận”. Có lẽ người đời có thể thấu hiểu nỗi đau khi chứng kiến những gì nó chịu đựng, nhưng thật khó để có thể đồng cảm hay tha thứ cho những hành vi sai trái nối tiếp nhau. Hải Niệm đã thoát khỏi tương lai mù mịt với đơn đặt đóng những con tàu vững chắc, còn nó thì vẫn lênh đênh trên con thuyền ở vòng lao lý. Vậy, con đường Nghĩa đã lựa chọn dấn thân, liệu đã là đường cùng?

 

Vào một đêm nọ khi làm việc đến khuya, Vĩnh nằm mơ thấy một nhà sư nom rất quen. Trò chuyện một hồi, Vĩnh đã ngờ ngợ đó là Nghĩa. Đúng hơn, người ấy cũng giống Nghĩa, ở một thế giới song song. Nơi đó, nó đã buông con dao xuống kịp thời, rồi quyết định xuất gia. Những khổ đau của nó, chỉ cần đem trả lại chiếc áo cũ kĩ có dính vệt dầu khô ngày ấy, “hẳn lần này sẽ nhẹ mình mà đắc đạo”. Vốn lầm lạc cũng từ tình yêu thương của Nghĩa dành cho bố mà ra.

 

Nhà văn Nguyễn Đình Tú xuất thân từ quân đội, nhưng các hình tượng anh đã từng xây dựng nên đều mới mẻ và đa dạng vô cùng. Anh không bó mạch truyện của mình trong khuôn mẫu “người tốt việc tốt” thông thường, không sa vào lối mòn duy lý của luật pháp, không giáo điều, áp đặt về cái gọi là tội ác và sự trừng phạt. “Vết dầu khô nổi giận” đã thành công trong việc khắc hoạ cái vùng nhập nhằng giữa tốt và xấu, khéo léo lồng ghép tính nhân văn vào trong tội lỗi của con người, đưa đạo và đời trở nên thật gần gũi. Và nhà văn cũng cho ta thấy, cái ranh giới giữa thiện và ác có thể thật mong manh làm sao.

 

“Thế tóm lại thằng Nghĩa nó đi tu hay đi tù?”

“Chú nghĩ thế nào cũng được ạ, cũng chỉ khác nhau dấu huyền thôi mà.”

 

Yến Dung